Phòng, tránh lây nhiễm Covid-19 cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Mỗi tuần 3 lần, bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Hồng Minh (Hưng Hà) lại đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh chạy thận nhân tạo. Ngay khi đến Bệnh viện, bà Hạnh được đo thân nhiệt, hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Bà Hạnh cho biết: Ngoài khu vực cổng có cán bộ y tế hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, vào trong Khoa Thận nhân tạo, ở khu vực chờ các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được yêu cầu ngồi giãn cách. Thực hiện theo đúng quy trình đón tiếp, tất cả bệnh nhân được khai báo y tế, sát khuẩn tay, thay quần áo và kiểm tra sức khỏe trước khi chạy thận.
Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là cơ sở y tế có số lượng bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ đông nhất tỉnh. Hiện Khoa đang thực hiện chạy thận theo chu kỳ cho hơn 180 bệnh nhân với số lượng trung bình mỗi tháng khoảng 2.400 ca.
Bác sĩ Lê Thị Phương, Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết: Tỷ lệ bệnh nhân cao tuổi chiếm 1/6 tổng số bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ tại Khoa. Người bệnh suy thận thường kèm theo một số bệnh biến chứng như: đái tháo đường, cao huyết áp, suy tim, thiếu máu... nên sức đề kháng rất yếu. Do đó, để bảo đảm an toàn, bệnh nhân được khám sàng lọc sức khỏe trước khi chạy thận. Những trường hợp có ho, sốt, khó thở sẽ được bố trí chạy thận trong phòng nhỏ có 5 máy chạy thận. Khi có bệnh nhân chạy thận nhiễm Covid-19, Khoa cũng đã có phương án cho bệnh nhân chạy thận ở một phòng riêng đồng thời bố trí kíp chăm sóc, điều trị riêng cho bệnh nhân. Hiện nay, để phòng, tránh lây nhiễm cho bác sĩ, bệnh nhân, trong suốt quá trình chạy thận, bệnh nhân được nhắc nhở đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn. Bên cạnh đó, Khoa cũng kê thuốc bổ trợ, nâng cao sức đề kháng cho người bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn người dân hạn chế đi ra ngoài, không tập trung đông người; tuân thủ chế độ ăn uống để bảo đảm sức khỏe và thường xuyên vệ sinh cá nhân, nhà cửa... Khuyến cáo bệnh nhân nên đi xe riêng, hạn chế đi phương tiện công cộng. Đối với cán bộ, nhân viên y tế, ngoài việc thực hiện đúng quy trình chuyên môn về chạy thận phải thực hiện nghiêm quy trình đón tiếp và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cơ sở y tế gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đại học Y Dược Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ, Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải và Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải thực hiện kỹ thuật lọc máu ngoài thận (chạy thận nhân tạo) cho hơn 600 bệnh nhân chạy thận nhân tạo theo chu kỳ. Cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh, tại các bệnh viện tuyến huyện, việc bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân chạy thận cũng đã được triển khai.
Bác sĩ Nguyễn Đông Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ cho biết: Bệnh viện thực hiện chạy thận theo chu kỳ cho 56 bệnh nhân trong huyện và một số huyện lân cận. Do có nhiều bệnh lý kèm theo nên nếu không may nhiễm Covid-19, bệnh nhân suy thận rất dễ tử vong. Vì thế, Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân từ quy trình tiếp đón đến điều trị. Quy trình đón tiếp bệnh nhân chạy thận được thực hiện theo 2 vòng, vòng 1 ngay tại cổng như các bệnh nhân đến khám thông thường và vòng 2 tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, nơi bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Các trang thiết bị điều trị cũng được vệ sinh thường xuyên, phòng chạy thận được vô trùng. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng thực hiện đánh giá, phân loại nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân chạy thận, có kế hoạch quản lý chăm sóc sức khỏe, dự phòng nâng cao sức khỏe bằng thuốc bổ trợ... cho người bệnh chạy thận nhân tạo. Phương án có bệnh nhân nhiễm Covid-19 chạy thận cũng được Bệnh viện tính đến nhằm xử lý kịp thời, giảm thiểu lây nhiễm và quản lý điều trị hiệu quả.
Bác sĩ Lê Thị Phương, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết thêm: Việc điều trị cho bệnh nhân chạy thận không giống như các bệnh nhân khác. Bệnh nhân không thể gián đoạn việc chạy thận nhân tạo theo chu kỳ. Tuy nhiên, khó khăn chung với các cơ sở chạy thận hiện nay là việc thiết lập, bố trí một khu vực mới chạy thận riêng cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 bởi các cơ sở chạy thận không thể chuyển được hệ thống lọc nước R0. Do đó, rất mong ngành Y tế chỉ đạo, có phương án bố trí cơ sở chạy thận cho người nhiễm, nghi nhiễm phù hợp để không ảnh hưởng đến công tác điều trị cho bệnh nhân chạy thận trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Hoàng Lanh
Tin cùng chuyên mục
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 22/1 22.01.2022 | 20:53 PM
Xem tin theo ngày
-
Hội đồng hương Thái Bình tại Hà Nội gặp mặt đầu xuân
- Ra quân tháng thanh niên năm 2025
- Quyết tâm, hành động quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh lần thứ nhất
- Công bố nghị quyết, quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và công tác cán bộ
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 5 nghị quyết
- Bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV
- Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị triển khai cuộc kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình