Thứ 3, 26/11/2024, 00:28[GMT+7]

Phòng, chống sốt xuất huyết trong mùa cao điểm

Thứ 6, 25/09/2020 | 08:47:39
1,504 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 3 tuần gần đây số ca mắc có xu hướng tăng, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam. Tại Thái Bình, tính đến ngày 20/7, toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 37 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 22 ca nội sinh.

Phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.

Riêng từ tháng 7 - 9/2020, toàn tỉnh xuất hiện 11 ổ dịch với 15 ca sốt xuất huyết nội sinh. Các ổ dịch, ca bệnh đều được điều tra, xử lý kịp thời. Đến nay, chưa xuất hiện ca mắc mới. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch phải quyết liệt, không thể chủ quan, lơ là.

Mới đây, tại tổ 16, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) đã ghi nhận 2 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ngay lập tức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố, Trạm Y tế phường Trần Lãm đã phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trần Lãm cho biết: Sau khi nhận được thông tin có 2 trường hợp trên địa bàn phường mắc sốt xuất huyết, Trạm đã báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các ban, ngành, đoàn thể của phường, tổ dân phố đã trực tiếp cùng 30 gia đình xung quanh tiến hành tổng vệ sinh môi trường. Vừa vệ sinh môi trường vừa tuyên truyền phòng, chống dịch để người dân biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh khi chưa có vắc-xin phòng bệnh, bắt buộc phải diệt lăng quăng, bọ gậy và diệt muỗi.

Không chỉ ở thành phố (7 ca), 7 huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận có ca mắc sốt xuất huyết nội sinh. Các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy mỗi huyện 3 ca; Đông Hưng và Kiến Xương mỗi huyện 2 ca; Vũ Thư và Tiền Hải ghi nhận mỗi huyện 1 ca. Qua điều tra và giám sát côn trùng tại 30 hộ dân ở các khu vực có bệnh nhân đều cho thấy, số nhà có muỗi Aedes albopictus, tỷ lệ dụng cụ chứa nước có bọ gậy, chỉ số nhà có bọ gậy đều vượt giới hạn cho phép. Nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh môi trường và việc xử lý môi trường trong cộng đồng dân cư chưa triệt để, nhiều hộ gia đình chưa chủ động, tự giác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, đặc điểm thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đều đã được theo dõi và đến thời điểm hiện nay chưa có ca mắc mới. Để phòng, chống dịch, nhiều biện pháp đã được triển khai như: tuyên truyền nhân dân tăng cường diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm diệt nguồn trung gian truyền bệnh; vận động cộng đồng, cơ sở doanh nghiệp thực hiện vệ sinh môi trường; phun hóa chất trong bán kính 200m ở khu vực có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phòng, chống dịch vẫn còn một số khó khăn là nhiều gia đình còn chủ quan, chưa nhận thức hết sự nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa tích cực phối hợp phòng, chống dịch.

Bác sĩ Đặng Quang Huy cho biết thêm: Trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức giám sát người bệnh, côn trùng, môi trường; phân tích, đánh giá, báo cáo, tham mưu chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch; tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các tuyến xử lý ca bệnh, ổ dịch; có kế hoạch trong trường hợp dịch có nguy cơ bùng phát; bố trí cán bộ, đội cơ động triển khai, đáp ứng nhanh với các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, những tháng cuối năm điều kiện thời tiết thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển; việc nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số ca mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện các biện pháp quyết liệt. Do đó, các địa phương cần có những giải pháp chủ động phòng, chống dịch.

Hoàng Lanh