Thứ 3, 26/11/2024, 07:19[GMT+7]

Mô hình bác sĩ gia đình của Trung tâm Cấp cứu 115

Thứ 2, 19/10/2020 | 09:36:13
1,999 lượt xem
Từ năm 2017, Trung tâm Cấp cứu 115 đã triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình thực hiện chăm sóc sức khỏe thường xuyên; chăm sóc sức khỏe theo bệnh tật; chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời cho người dân. Mục tiêu của mô hình nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình có nhu cầu, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm quá tải cho các bệnh viện.

Bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh chăm sóc người bệnh tại gia đình.

Bác sĩ Đặng Phi Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: Trung tâm có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện mô hình bác sĩ gia đình do có phương tiện tận nơi; tiếp xúc nhiều với đơn vị y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến cao nhất; có nhân lực trực 24/24 giờ. Bám sát nguyên lý hoạt động của mô hình bác sĩ gia đình, Trung tâm đã thực hiện các mẫu phiếu thăm dò nhu cầu từ các gia đình có người cấp cứu và được đánh giá cao bởi mô hình có nhiều ưu việt, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, giải quyết được vấn đề chăm sóc y tế người cao tuổi, người bệnh trọng khi chỉ số sinh tồn không còn giá trị trong những ngày cuối đời và giúp người dân sàng lọc, phát hiện bệnh sớm khi thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

Theo mô hình Trung tâm Cấp cứu 115 đã xây dựng, việc chăm sóc sức khỏe thường xuyên được thực hiện 2 lần/năm. Trung tâm có máy móc, trang thiết bị y tế và bố trí nhân lực xuống tận gia đình để khám, chăm sóc sức khỏe. Người sử dụng gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường xuyên sẽ được các bác sĩ siêu âm, đo đường huyết, xét nghiệm đường huyết... Đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo bệnh tật, cán bộ y tế sẽ căn cứ tình trạng bệnh của người bệnh để tư vấn, chăm sóc, điều trị. Dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ dành cho những người mắc bệnh ung thư; tùy theo tình trạng bệnh các bác sĩ sẽ nêu ra các vấn đề cần chăm sóc, điều trị, tư vấn cho gia đình người bệnh lựa chọn. Dịch vụ chăm sóc cuối đời dành cho những bệnh nhân nặng đã xin bệnh viện về nhà khi chỉ số sinh tồn không còn giá trị. Với dịch vụ này, Trung tâm sẽ cung cấp máy móc, trang thiết bị hỗ trợ như: máy trợ thở, máy cung cấp oxy... đồng thời bố trí cán bộ chăm sóc nếu gia đình có yêu cầu.

Ông Trần Bảo Châu, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình cho biết: Khi gia đình có người ốm nặng không còn khả năng cứu chữa, chúng tôi đã xin bệnh viện cho người thân về nhà, đồng thời liên hệ với Trung tâm Cấp cứu 115 để đăng ký dịch vụ chăm sóc cuối đời mong sao trọn vẹn nghĩa tử nghĩa tận với người thân. Bởi có sự chăm sóc của người có chuyên môn y tế nên gia đình cũng yên tâm hơn. Dù công việc khá vất vả song các bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm đã chăm sóc rất nhiệt tình chu đáo theo yêu cầu của gia đình. Tôi thấy đây là dịch vụ rất nhân văn.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Việt Hường, Trưởng khoa Khám bệnh và bác sĩ gia đình, Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: Đối với bệnh nhân nặng phải chăm sóc cuối đời, công việc của các bác sĩ, điều dưỡng khá vất vả, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Các điều dưỡng phải túc trực thường xuyên kiểm tra mạch, huyết áp, xông cho ăn, kiểm tra nước tiểu, xoa bóp, thay băng, bỉm... Dù vậy, chúng tôi luôn xác định làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để có thể kéo dài sự sống cho người bệnh. Việc chăm sóc sức khỏe thường xuyên, chăm sóc giảm nhẹ cũng được thực hiện chu đáo, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình bác sĩ gia đình đã thực hiện chăm sóc thường xuyên, chăm sóc cuối đời và chăm sóc giảm nhẹ cho hơn 100 trường hợp, trong đó chủ yếu là khu vực thành phố và khu vực vệ tinh triển khai thí điểm là xã Thụy Thanh (Thái Thụy). Bác sĩ Đặng Phi Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết thêm: Mô hình bác sĩ gia đình hay chăm sóc sức khỏe tại nhà đã được triển khai từ lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Thái Bình, khó khăn hiện nay là nhiều người dân trong tỉnh chưa quen với dịch vụ; việc phối hợp với một số cơ sở y tế còn hạn chế; kinh phí tuyên truyền ít nên nhiều người chưa biết đến dịch vụ... Do đó, trong thời gian tới, Trung tâm rất mong có sự phối hợp của các đơn vị y tế để việc chăm sóc sức khỏe của người dân được trọn vẹn; các trạm y tế sẽ ở gần dân, có nghiệp vụ, có thể đến ngay lúc người bệnh cần, vì thế Trung tâm đã xây dựng đề án thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, xác định y tế xã sẽ là chân rết, phối hợp hiệu quả với Trung tâm triển khai nhân rộng mô hình. Hướng đi của Trung tâm sẽ xây dựng đội ngũ bác sĩ chuyên sâu, thực hiện kết nối trực tuyến để chỉ đạo, điều trị cho người bệnh ở cơ sở... để người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn.

Hoàng Lanh