Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật trong ngành Y tế
Hàng năm, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tiếp nhận khoảng 7.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 2.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú y học cổ truyền (YHCT). Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, ngoài việc đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, Bệnh viện còn chú trọng việc tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu như: điều trị tác động cột sống; kết hợp y học hiện đại và YHCT điều trị đái tháo đường; điều trị cho trẻ tự kỷ bằng phương pháp YHCT; điều trị giảm nhẹ ung thư, bệnh lý nam học; tiêm sơ búi trĩ... từ các bệnh viện trung ương như: Học viện Y học dân tộc Việt Nam, Viện Châm cứu Trung ương, Viện Y học cổ truyền Trung ương... Việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng điều trị, mở rộng diện bệnh điều trị tại Bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật được coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp người dân được hưởng lợi dịch vụ chất lượng cao ngay từ cơ sở và giảm gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên. Mới đây, Bệnh viện đã tiếp nhận kỹ thuật điều trị trẻ tự kỷ bằng phương pháp đông y từ Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Hiện mỗi ngày Bệnh viện thực hiện điều trị cho 10 - 15 trẻ. Đây là những trẻ bị tăng động, chậm nói, ít tiếp xúc với người ngoài. Phương pháp thực hiện chủ yếu là châm cứu, thủy châm, lấy chỉ để đả thông kinh mạch, huyệt đạo. Kết quả, sau 5 - 7 ngày, trẻ ăn ngon, ngủ tốt, ít tăng động hơn; có trẻ sau 15 ngày điều trị đã có phản xạ nhanh hơn, tiếp xúc với người ngoài tốt hơn. Hiện 1 liệu trình điều trị trẻ tự kỷ bằng đông y khoảng 15 ngày; 1 năm thực hiện từ 3 - 4 liệu trình. Cùng với việc tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên, Bệnh viện cũng hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các trường và bệnh viện tuyến huyện. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tập trung hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các trạm y tế xã.
Ngoài Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh cũng chủ động tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình... Cụ thể, nếu trước đây, nhiều bệnh nhân ung thư phải chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương để xạ trị thì đến nay người bệnh có thể được chẩn đoán và điều trị đạt hiệu quả ngay tại tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện xạ trị cho hơn 460 ca với 12 mặt bệnh ung thư như: ung thư phổi, vú, thực quản, trực tràng, vòm, hạ họng thanh quản, sàn miệng, amydan, lưỡi, niêm mạc má, phần mềm và di căn não. Từ khi triển khai mang lại lợi ích cho bệnh nhân, giảm thời gian, chi phí lên tuyến trên điều trị. Nhiều bệnh nhân sau thời gian xạ trị đã đạt hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến tỉnh còn tích cực chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện. Nhờ đó, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được một số kỹ thuật như: phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày, tá tràng... Việc tiếp nhận kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh, phẫu thuật... có ý nghĩa rất quan trọng giúp đội ngũ cán bộ y tế làm chủ khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề, hạn chế biến chứng và giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Bác sĩ Hà Trung Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết: Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có đề án 1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Tại Thái Bình, nhiều bệnh viện trong tỉnh đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện đầu ngành trên cả nước như: Bệnh viện Việt Đức, Viện bỏng Quốc gia, Viện tim mạch... Việc chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ tuyến dưới đã giải quyết được nhiều vấn đề, đó là cán bộ y tế tuyến dưới được tiếp cận kỹ thuật cao, không phải lên trung ương để học; người bệnh được hưởng dịch vụ cao ngay tại tỉnh, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian điều trị; cơ sở khám chữa bệnh được nâng cao uy tín, thương hiệu và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cũng đã triển khai việc khám chữa bệnh từ xa. Hiện Thái Bình có 21 bệnh viện đăng ký tham gia khám chữa bệnh từ xa trong 1.000 cơ sở y tế trên cả nước. Việc khám bệnh từ xa được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến.
Hoàng Lanh
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương