Thứ 6, 02/08/2024, 07:08[GMT+7]

Ô nhiễm môi trường nước Vấn đề đáng lo ngại

Thứ 4, 25/08/2010 | 07:52:52
1,806 lượt xem
Những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hoá, nhiều khu công nghiệp (KCN) được xây dựng và đi vào hoạt động. Song song với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng tăng và phức tạp.

Vận hành hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt trạm cấp nước xã Việt Hùng (Vũ Thư). Ảnh: Thành Tâm

Xét riêng khu vực Thành phố Thái Bình, nước mưa, nước thải sinh hoạt (khoảng 30.000 m3/ngày đêm) chưa được xử lý hoà với nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ thoát chung vào một hệ thống thoát nước và đổ ra các thuỷ vực tiếp nhận.

Do trong nước thải công nghiệp có chứa các chất thải độc hại như Pb, Hg, Cd... và thuốc sát trùng, chất tẩy rửa, chất hữu cơ khó phân hủy nên đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt của các sông như: sông Vĩnh Trà, Bồ Xuyên, sông 3/2, sông Pari... Có thể khẳng định, hiện nay nước các sông trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm với những mức độ khác nhau ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân và mỹ quan đô thị.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do phần lớn các KCN trên địa bàn chưa đầu tư hệ thống xử nước thải tập trung cho toàn KCN. Theo số liệu quan trắc vào năm 2007 tại một số làng nghề điển hình trên địa bàn tỉnh cho thấy ô nhiễm Coliform là rất cao. Chất lượng nước các ao, hồ tại những nơi không có hệ thống cấp nước từ công trình thuỷ lợi đều có dấu hiệu ô nhiễm NH4+, NO2-, CL-... Ngoài ra, các ao hồ tiếp nhận xả thải từ các làng nghề đang bị ô nhiễm nặng bởi vi sinh vật, các chất hữu cơ COD, BOD5.

Bệnh viện đa khoa huyện Hưng Hà được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1971. Hàng ngày bệnh viện phải khám chữa bệnh cho một lượng bệnh nhân khá đông nhưng nhìn chung cơ sở hạ tầng của bệnh viện còn nhiều hạn chế. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây là khó tránh khỏi. Hàng ngày, Bệnh viện sử dụng 50 m3 nước từ nước giếng khoan phục vụ công tác khám chữa bệnh. Lượng nước thải phát sinh từ các khoa phòng của bệnh viện  chưa có hệ thống xử lý triệt để trước khi xả thải.

Kết quả phân tích nước thải của bệnh viện các thông số BOD5 vượt  4,3 lần, chất rắn lơ lửng vượt 1,63 lần, NH+4 vượt 13,75 lần, Coliform vượt 700 lần TCVN. Cũng như bệnh viện đa khoa Hưng Hà, bệnh viện đa khoa huyện Đông Hưng được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1978. Bệnh viện sử dụng một lượng nước lớn khoảng 100 m3/ ngày, trong đó nước giếng khoan chiếm 80 m3. Qua kiểm tra, nước thải phát sinh từ các khoa phòng tại bệnh viện dù đã qua xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra sông Tiên Hưng. 

Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, nỗi lo ô nhiễm môi trường  nước không chỉ từ nguồn nước thải bệnh viện. Theo ước tính hàng năm, toàn tỉnh sử dụng khoảng 500.000 tấn phân bón hữu cơ, 200.000 tấn phân bón vô cơ và trên 600 tấn hoá chất thuốc bảo vệ thực vật các loại. Các  loại phân bón và hoá chất bảo vệ thực vật một phần ngấm vào đất, phần còn lại hoà tan trong nước tiêu thoát vào các kênh, sông trục tiêu của hai hệ thống thuỷ lợi bắc và nam tỉnh gây ô nhiễm nguồn nước mặt.

Nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của con người. Do đó, trước tình trạng môi trường nước bị ô nhiễm hiện nay thì những giải pháp đồng bộ, triệt để trong bảo vệ môi trường nước không thể là những lời “hô hào” sáo rỗng. Việc bảo vệ môi trường nước đã, đang và rất cần sự vào cuộc thực sự của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn để vấn đề ô nhiễm môi trường nước không còn là nỗi lo.

PV

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày