Thứ 6, 29/03/2024, 13:37[GMT+7]

"Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất"

Thứ 2, 01/03/2021 | 15:50:59
5,692 lượt xem
Tôi theo học nghề y với lý do gia tộc có cụ tổ Bùi Hữu Thiệu là một lương y giỏi, ngụ tại xã Đông Thọ, huyện Đông Quan, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình xưa (nay là xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình). Cả gia tộc đã được cụ tổ truyền khẩu và giảng giải cho các đời con cháu một lời răn quý hơn vàng, mà lời răn này lại chính là của các cụ thượng tổ nghề đông y để lại cho mai sau, lời răn đó là: “BỆNH TÒNG KHẨU NHẬP - HỌA TÒNG KHẨU XUẤT”.

Lời đầu tiên các cụ giảng giải về chữ và nghĩa như thế này:

- Bệnh thì có nghĩa là bệnh, hiểu đơn giản thế thôi; tòng nghĩa là theo; khẩu nghĩa là cái miệng của mình; còn nhập nghĩa là vào, xuất thì có nghĩa là ra, họa nghĩa là tai họa, cũng rất dễ hiểu.

Hiểu trọn nghĩa câu này là: Bệnh thì theo miệng mà vào - Họa thì theo miệng mà ra.

Ý các cụ răn con cháu là ăn uống phải rất cẩn trọng, không nên thứ gì cũng cứ đút phứa vào miệng mà ăn, ăn không điều độ, ăn không vệ sinh, ăn không cẩn thận sẽ sinh bệnh tật mà khổ. Nói thì cũng phải lựa lời mà nói, đừng nói bừa nói bãi, nói cho lấy được, nói cho xong chuyện, nói chướng tai gai mắt khó nghe, lời nói chì chiết ác khẩu, nói mà không cẩn thận sẽ rước họa vào thân.

Thực ra lời răn này ngày xưa bản thân tôi cũng chưa đủ khả năng nhận thức hết; sau này đi học cả tây y và đông y, đồng thời trải qua 1/4 thế kỷ làm công tác nhân đạo tại Hội Chữ thập đỏ, rồi có nhiều năm chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh, đến nay tôi mới có đủ kinh nghiệm và kiến thức để viết tiếp và truyền bá lời vàng ý ngọc của các cụ thượng tổ ngành y khoa và đông y từ ngàn đời xưa đã để lại.

Khoa học và thực tế đã khẳng định và chứng minh rằng: Đường ăn uống là con đường chủ yếu dễ đưa bệnh tật vào trong cơ thể nếu ta ăn uống không đúng, không điều độ và ăn không sạch. Vậy thì phải ăn uống thế nào để cho bệnh tật khỏi nhập vào cơ thể? Chúng ta cần biết mấy điều cơ bản sau đây:

1) Điều đầu tiên là phải tự biết tính được cân nặng hiện tại của mình đang ở mức độ nào để mà điều chỉnh ăn uống cho phù hợp.
Có nhiều cách tính khác nhau nhưng ở đây đưa ra cách tính nhẩm đơn giản nhất cho quý vị dễ theo dõi (cách tính theo tiêu chuẩn thang phân loại châu Á dành cho người Việt Nam).

a) Cân nặng lý tưởng là: ta lấy số lẻ của chiều cao (tính bằng cm) đem nhân với 9 rồi chia cho 10.

b) Cân nặng tối đa là: bằng số lẻ của chiều cao (tính bằng cm).

c) Cân nặng tối thiểu là: bằng số lẻ của chiều cao (tính bằng cm) đem nhân với 8 rồi chia cho 10.

Ví dụ, nếu quý vị cao 170cm (1m70) thì:

- Cân nặng lý tưởng của quý vị là: 70 x 9 : 10 = 63kg.

Nếu ở mức cân lý tưởng này thì quý vị nên giữ ổn định chế độ ăn uống như quý vị đang ăn uống hàng ngày.

- Cân nặng tối đa của quý vị là: 70kg (trên mức này gọi là béo).

Nếu ở mức cân nặng tối đa này thì quý vị nên điều chỉnh chế độ ăn uống theo hướng giảm xuống một chút như quý vị đang ăn uống hàng ngày và theo dõi cân nặng khi đạt mức lý tưởng (63kg) thì quý vị giữ ổn định chế độ ăn uống đó.

- Cân nặng tối thiểu của quý vị là: 70 x 8 :10 = 56kg (dưới mức này gọi là gầy)

Nếu ở mức cân nặng tối thiểu này thì quý vị nên điều chỉnh chế độ ăn uống theo hướng tăng lên một chút như quý vị đang ăn uống hàng ngày và theo dõi cân nặng khi đạt mức lý tưởng (63kg) thì quý vị giữ ổn định chế độ ăn uống đó.

2) Thứ hai là phải xét nghiệm các chỉ số cơ bản trong máu định kỳ 6 tháng 1 lần.

Quý vị đến khám bệnh, bác sĩ sẽ khám, tư vấn và chỉ định cho quý vị cần làm những xét nghiệm gì, theo đó, các chỉ số cơ bản cần quan tâm theo dõi sức khỏe định kỳ là mỡ máu, đường máu, Protein máu và các chỉ số khác có liên quan...

Qua kết quả các chỉ số xét nghiệm cơ bản đó, quý vị sẽ được nghe tư vấn từ bác sĩ và sẽ tự biết được cách điều chỉnh chế độ ăn uống cụ thể hơn, khoa học hơn và quý vị sẽ yên tâm hơn, nếu có bệnh tật thì sẽ được điều trị theo các loại bệnh tật.

Về nguyên tắc chung, nếu cơ thể thừa mỡ thì quý vị ăn giảm dầu, mỡ, bơ và chất béo; nếu thừa đạm thì quý vị ăn giảm thịt, giảm chất đạm; nếu thừa đường thì quý vị ăn uống giảm đường, giảm ngọt và ăn giảm chất bột (vì chất bột sẽ chuyển hóa thành đường)...

3) Thứ ba là phải ăn sạch.

Phải rửa tay trước khi ăn bởi lẽ tay của chúng ta có thể dính bụi bẩn, mang theo mầm bệnh, rồi lại cầm đồ ăn đưa vào miệng tức là “Bệnh tòng khẩu nhập”.

Những đồ cần ăn chín thì phải nấu cho chín, cần nhừ thì nấu nhừ để phòng bệnh đau dạ dày, viêm ruột, viêm đại tràng mãn tính.
Những đồ ăn sống được thì nên lựa chọn có nguồn gốc xuất xứ bảo đảm, chế biến sạch, rau sống thì rửa nhiều lần bằng nước sạch để loại trừ bụi bẩn, trứng giun sán và vi trùng.

Những món khoái khẩu dùng theo thói quen như tiết canh nên hết sức cảnh giác, đặc biệt là với những động vật mang mầm bệnh hoặc động vật hoang dã có mang theo vật truyền bệnh trung gian rất nguy hiểm (như vịt trời, chồn, cầy hương, dúi, don...).

4) Thứ tư là cần ăn rau quả phù hợp.

Do thời lượng của bài viết này không cho phép nên tôi xin được đưa ra lời khuyên chung cho quý vị như sau:
Mỗi người có một thể trạng, cơ địa hoặc bệnh tật khác nhau, cho nên chế độ ăn uống sẽ khác nhau, bởi vậy lời khuyên chung cho quý vị là tất cả mọi người cần phải ăn rau củ quả hàng ngày sẽ rất tốt cho sức khỏe; còn cụ thể với quý vị nào ăn loại rau củ quả gì là tốt thì còn tùy vào thể trạng, cơ địa hoặc bệnh tật cụ thể của quý vị, từ đó xin tư vấn bác sĩ điều trị để có lời khuyên ăn uống phù hợp cho mỗi người.

Cũng theo nguyên tắc đơn giản như trên, khi quý vị đã nắm được thì quý vị sẽ tự điều chỉnh chế độ ăn rau củ quả theo cách: Thừa mỡ thì tránh ăn các loại rau củ quả giàu chất béo (như lạc, vừng, dừa, quả bơ...); thừa đường thì quý vị giảm ăn rau củ quả ngọt hoặc có nhiều tinh bột (như cam, nhãn, vải, mít, dứa, cơm, khoai tây, khoai lang, củ sắn, củ từ... hoặc các loại quả sấy khô có ngọt nhiều...); thừa chất đạm thì quý vị hạn chế ăn các loại rau củ quả giàu chất đạm (như các loại hạt đậu, măng tây, khoai tây, bông cải xanh, cải chíp, quả bơ, rau chùm ngây...).

Tóm lại, nếu chúng ta còn khỏe mạnh, còn tự ăn uống được thì việc mà chúng ta ăn gì, ăn bao nhiêu, ăn lúc nào, ăn như thế nào đều là do chính chúng ta quyết định.

Hãy ghi nhớ và thấm thía câu châm ngôn các cụ đã dạy là:

“BỆNH TÒNG KHẨU NHẬP - HỌA TÒNG KHẨU XUẤT”

Bác sĩ BÙI VŨ KHÚC

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày