Thứ 2, 29/07/2024, 05:27[GMT+7]

Phòng sâu răng, hôi miệng, viêm họng: Giá trị của cây thuốc dấu

Thứ 2, 05/04/2021 | 09:15:16
2,559 lượt xem

Cây thuốc dấu.

Tục ngữ xưa có câu:
“Cái răng, cái tóc là góc con người”

TẠI SAO MIỆNG HÔI, HỌNG VIÊM, SÂU RĂNG?

Chỉ có mỗi cái miệng thôi mà y học chia ra hẳn 2 chuyên khoa khác nhau thì ta đã thấy tính phức tạp của nó rồi (nha khoa và khoa tai - mũi - họng). Tôi thì lại đem quy nạp răng - họng - miệng về một khoang, gọi đó là khoang miệng. Các bệnh thuộc về viêm như viêm họng, viêm quanh răng, sâu răng, hôi miệng thì hầu hết đều do các loại vi khuẩn hoạt động ở khoang miệng mà ra.

1. Tại sao vi khuẩn lại hoạt động nhiều ở khoang miệng?

Là vì:

- Miệng là nơi nạp, chứa và chuyển đủ thứ đồ ăn thức uống.

- Miệng có răng, rất nhiều khe kẽ dễ bám giữ đồ ăn thức uống.

- Miệng hay mở ra ngậm lại, hít bụi và vi khuẩn xâm nhập vào nhiều. Kể cả vi khuẩn ái khí và vi khuẩn yếm khí.

2. Đánh răng có bảo đảm sạch hết được đồ ăn thức uống bám quanh răng không?

- Dù đánh răng kỹ đến mấy đi nữa thì bàn chải không thể kỳ cọ sạch hết được đồ ăn thức uống bám quanh răng.

- Đồ ăn thức uống đọng bám ở các khe kẽ răng miệng sẽ làm mồi cho vi khuẩn hoạt động lên men, sinh hơi, sinh mùi hôi thối dẫn tới viêm lợi, viêm miệng, viêm họng, viêm quanh cuống răng và sâu răng (bệnh nha chu).

PHÒNG SÂU RĂNG, HÔI MIỆNG, VIÊM HỌNG THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?

1. Việc đánh răng hàng ngày là không thể thiếu, bên cạnh đó cần hỗ trợ làm sạch răng: Nếu chỉ đánh răng sau khi ăn vẫn chưa đủ vì có một số điểm ở quanh chân răng do mất men răng nên bị thô nháp, đánh răng khó sạch hết; quý vị nên tạo thói quen dùng khăn sạch hoặc tăm bông kỳ cọ quanh chân răng cho sạch sau khi đã đánh răng (nếu không kỳ sạch, lâu ngày sẽ tạo thành cao răng, gây nha chu, gây viêm nhiễm, gây chảy máu chân răng, sâu răng).

2. Luyện tập cho răng:

Hàng ngày ta tập luyện cho tứ chi và toàn thân thì tại sao ta không tập luyện cho răng lợi được khỏe mạnh.

Theo Đông y, nếu mỗi buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ, ta gõ răng, súc miệng cho nước miếng trào ra (ngọc tuyền) rồi nuốt vào bụng thì giúp cho hàm răng chặt, chắc khỏe bền lâu, chống viêm, phòng chảy máu chân răng và phòng sâu răng, tốt cả cho bộ máy tiêu hóa.
- Gõ răng hàng ngày (buổi tối trước khi ngủ), hoặc sáng ngủ dậy dùng hai hàm răng gõ vào nhau 21 lần.

- Nhai hai hàm răng vào nhau 21 lần.

- Dùng lưỡi chà xát vùng lợi quanh chân răng cho cả hai hàm trên dưới (chà 21 lần).

- Súc miệng cho nước miếng trào ra rồi nuốt nước miếng vào bụng (súc 21 lần).

3. Cách sử dụng cây thuốc dấu:

Có nhiều loại thảo dược chữa đau răng và phòng sâu răng tốt như súc miệng bằng rượu ngâm hạt cau, nhai ngậm cỏ nhọ nồi chống chảy máu chân răng, nhai ngậm rễ cà gai leo chống sâu răng, sắc nước quả ké đầu ngựa súc ngậm ngừa sâu răng...
Bài viết này tôi giới thiệu thêm loại cây thuốc dấu chữa bệnh viêm đau răng, viêm họng, hôi miệng: Nếu răng miệng họng đang có viêm đau, chảy máu chân răng, hôi miệng thì cắn một khẩu cây thuốc dấu (nếu cành già thì cắn lấy vỏ bỏ lõi rắn đi, nếu cành non thì cắn cả lõi), nhai kỹ và ngậm trong miệng 5 - 10 phút, sau đó nhổ bã đi, nuốt lấy nước cho ngấm từ từ vào họng. Đang có viêm thì ngày ngậm 3 lần. Nếu không có viêm thì mỗi tuần ngậm 2 - 3 lần.

Ghi nhớ:

- Chớ thấy răng đau mà vội đi nhổ ngay để trồng răng giả là sai lầm nghiêm trọng, vì đã là răng giả thì không thể bằng răng thật được. Răng của người trưởng thành cần được bảo tồn đến cùng, khi nào không thể bảo tồn được nữa thì mới nhổ răng để trồng răng giả.

- Việc tập luyện cho răng là rất hữu hiệu, không nên xem thường, tuy nhiên phải tập hàng ngày như luyện tập thân thể.

- Mỗi gia đình nên trồng vài bụi cây thuốc dấu để dùng khi cần - nó là thần dược tốt cho răng miệng và họng.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày