Vượt qua đại dịch: Giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc” Kỳ 1: Nhiều nguy cơ, chủ động trước một bước
Tháng 12/2019, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đến giữa tháng 3/2020, dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố là đại dịch. Sau hơn 1 năm, đến cuối tháng 4/2021, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 147 triệu người mắc, hơn 3,1 triệu người tử vong tại hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn phòng chống dịch với số ca mắc thấp, tử vong ít, được thế giới đánh giá thành công trong cuộc chiến phòng, chống dịch.
Ngày 23/1/2020, Việt Nam phát hiện 2 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19. Cũng trong ngày 23/1/2020, tại Thái Bình ghi nhận trường hợp đầu tiên nghi mắc Covid-19 từ một phụ nữ trở về từ tâm dịch Vũ Hán. Công tác phòng, chống dịch đã được tập trung chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.
“Bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, các ngành, các cấp đã khẩn trương, quyết liệt, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và đã đem lại nhiều kết quả. Cuộc chiến phòng, chống dịch chưa dừng lại, có thể còn phải đối mặt với những đợt dịch mới nguy hiểm hơn, khó khăn hơn. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị không vì khó khăn mà không quyết liệt chống dịch. Các biện pháp phòng, chống dịch phải đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, thường xuyên, liên tục không ngừng nghỉ và có hiệu quả trên thực tế. Chúng ta phải quyết tâm, phải chủ động khống chế được mọi tình huống, làm chủ được mọi hoàn cảnh, phải giữ không để dịch bệnh xảy ra…” - đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 1/4/2020, hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử RT-RCR sàng lọc COVID-19 được đầu tư và vận hành tại Trung tâm CDC Thái Bình. Đến nay đã xét nghiệm hơn 21.000 mẫu.
Nguy cơ cao cả trong ba đợt dịch
Diễn biến của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam chia làm 3 giai đoạn, tương ứng với 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng tại các tỉnh, thành phố trong nước. Giai đoạn đầu ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020, sau đó tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các vùng có dịch về và lây lan trong cộng đồng. Giai đoạn 2 ghi nhận từ cuối tháng 7/2020 đến đầu năm 2021 với các trường hợp mắc mới tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác. Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 25/1/2021 đến nay với các ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác. Đến nay dịch đã được khống chế, qua gần 30 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Cả trong 3 đợt dịch, Thái Bình luôn là địa phương có nguy cơ lây lan dịch với nhiều yếu tố tiềm ẩn dịch xâm nhập. Nếu như ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc đầu tiên từ hai cha con người Trung Quốc du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng cùng ngày đó, Thái Bình đã ghi nhận 1 trường hợp nghi mắc của 1 phụ nữ trở về từ Vũ Hán với các dấu hiệu sốt, ho, khó thở. Trong giai đoạn đầu, với nguồn lây nhiễm chủ yếu từ tâm dịch Vũ Hán, theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh, ngay trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý (thời điểm chưa quy định cấm nhập cảnh và cách ly), Thái Bình đã có hàng trăm người trở về từ vùng dịch hoặc liên quan đến vùng dịch Vũ Hán. Cũng trong đợt dịch đầu, liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Thái Bình cũng có gần 1.200 trường hợp đã đến và đi qua ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai.
Trong đợt dịch thứ 2, sau khi ca mắc đầu tiên tại Đà Nẵng được phát hiện vào ngày 25/7, chưa đến 1 tuần sau, ngày 1/8/2020, tại Thái Bình cũng đã ghi nhận ca mắc đầu tiên tại cộng đồng tại xã Hòa Tiến (Hưng Hà) khi người này trở về địa phương từ vùng dịch Đà Nẵng và có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Cùng với ca mắc này, cũng trong đợt dịch thứ 2 còn có 1 bệnh nhân mắc Covid-19 trước khi được phát hiện đã về Thái Bình và ở lại trong 2 ngày, tiếp xúc với nhiều người. Trong đợt dịch thứ 2, Thái Bình đã chính thức xuất hiện 2 ổ dịch tại cộng đồng cùng nhiều trường hợp F1 được phát hiện.
Ở giai đoạn 3, khi các tỉnh tiếp giáp với Thái Bình là Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng xuất hiện và bùng phát dịch trong cộng đồng, tại Thái Bình cũng xuất hiện ổ dịch tại thôn Cao Dương Hạ, xã Thụy Việt (Thái Thụy) bởi trước đó bệnh nhân Covid-19 đã về địa phương lưu trú, tiếp xúc với nhiều người. Cùng với đó, tại các huyện như Quỳnh Phụ, Vũ Thư cũng có ca bệnh Covid-19 từng về địa phương trước khi được phát hiện.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, qua 3 giai đoạn của dịch, tại Thái Bình có 44 ca mắc Covid-19, trong đó có 1 ca mắc tại cộng đồng (xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà), 43 ca nhập cảnh và 1 ca tái dương tính từ tỉnh ngoài về. Cũng qua 3 đợt dịch, xuất hiện 3 ổ dịch tại cộng đồng (xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà; xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải; xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy), phải thực hiện phong tỏa 2 thôn, 1 cụm dân cư. Trải qua 3 đợt dịch, tính đến ngày 26/4, Thái Bình đã cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh 1.038 trường hợp; quản lý cách ly tại cơ sở cách ly tập trung 4.992 trường hợp, thực hiện xét nghiệm cho hơn 21.000 trường hợp...
Nhân viên y tế chốt kiểm dịch Cầu Hiệp (Quỳnh Phụ) hướng dẫn người dân khai báo y tế.
Chỉ đạo quyết liệt, chủ động trước một bước
Trải qua 3 giai đoạn dịch, bám sát các chỉ đạo của trung ương, tinh thần chủ động, đi trước một bước, đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên cao nhất bằng tinh thần quyết liệt nhất luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm túc. Ngay sau ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, Thái Bình ghi nhận trường hợp nghi mắc Covid-19, cả hệ thống chính trị của Thái Bình đã tổng lực khởi động cuộc chiến phòng, chống dịch. Ngày 24/1/2020 (ngày 30 tết Canh Tý), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU; UBND tỉnh cũng có Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND chỉ đạo khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Hoạt động phòng, chống dịch đã được khởi động ngay trong tết Nguyên đán Canh Tý dưới sự chỉ đạo, kiểm tra của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc nhanh chóng, khẩn trương của đội ngũ cán bộ y tế trong việc rà soát, truy vết, khoanh vùng, đưa vào theo dõi giám sát các trường hợp tiếp xúc với ca nghi nhiễm đầu tiên từ Vũ Hán về. Ngay trong ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý (ngày 30/1/2020), UBND tỉnh đã triệu tập họp khẩn với các ngành, địa phương triển khai các phương án phòng, chống dịch với sự chủ trì, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Ngay tại cuộc họp, nhiều phương án đã được thảo luận, đề ra như: đưa vào quản lý, giám sát người từ vùng dịch về; xây dựng các kịch bản với các phương án cụ thể đáp ứng với từng tình huống dịch; thành lập các đội phản ứng nhanh, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch...
Trước những diễn biến phức tạp của dịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các chỉ thị, công điện khẩn, quyết định, kế hoạch… chỉ đạo toàn diện, thường xuyên, liên tục các hoạt động phòng, chống dịch. Trong 2 đợt dịch năm 2020 và đợt dịch thứ 3 năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành hơn 20 chỉ thị, công điện và hơn 300 văn bản chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch. Cuộc chiến phòng, chống dịch được khẩn trương triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, các hoạt động: tuyên truyền; kiểm tra, giám sát phát hiện dịch; điều trị cách ly được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tại Thái Bình, ngay từ những ngày đầu khởi động các hoạt động phòng, chống dịch, công tác phòng, chống dịch đã đi trước một bước khi UBND tỉnh quyết định phân công cho các doanh nghiệp khẩn trương sản xuất hơn 1,1 triệu khẩu trang, cấp phát cho toàn thể giáo viên, học sinh; chỉ đạo bắt buộc đeo khẩu trang nơi tập trung đông người; đóng cửa các di tích, các điểm vui chơi giải trí tập trung đông người… Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch tại cơ sở, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cũng thành lập 8 đoàn kiểm tra, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống dịch… Các quy định về giãn cách xã hội, cho học sinh nghỉ học, kiểm soát người ra, vào tỉnh trong đợt cao điểm đã được thực hiện nghiêm túc với sự huy động tổng lực của 7 tổ công tác liên ngành, hơn 3.200 tổ tự quản tại các thôn, tổ dân phố “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” tham gia tích cực vào công tác kiểm soát nguồn lây.
Sự khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt “chống dịch như chống giặc” không chủ quan, lơ là đem lại hiệu quả trong cả 3 đợt dịch cao điểm. Nếu như trong đợt dịch đầu là sự chủ động, quyết liệt trong ngăn chặn nguồn lây xâm nhập địa bàn thì trong đợt dịch thứ 2, thứ 3, Thái Bình đã thể hiện được khả năng kịp thời, khẩn trương toàn lực trong xử lý ổ dịch tại các địa phương như Hòa Tiến (Hưng Hà), Tây Ninh (Tiền Hải); Thụy Việt (Thái Thụy).
Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, tỉnh ta đã nhận định dịch có nguy cơ cao xâm nhập, lây lan trên địa bàn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, bài bản công tác phòng, chống dịch. Ngành Y tế cũng luôn đánh giá sát tình hình dịch, tham mưu các kế hoạch, kịch bản, văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch với các biện pháp phù hợp, hiệu quả nhất. Điểm quan trọng nhất đối với công tác phòng, chống dịch là phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh các phương án phòng, chống dịch phù hợp với từng cấp độ một cách cụ thể, có tính khả thi cao và sẵn sàng đáp ứng khi triển khai.Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Trong đợt dịch thứ 2, Hưng Hà xuất hiện bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng, song bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành trong huyện đã khẩn trương vào cuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Trải qua cả ba đợt dịch, chúng ta đều nhận thấy công tác phòng, chống dịch của tỉnh có sự chỉ đạo rất sâu sát, quyết liệt và đã đem lại những kết quả ý nghĩa. Nếu tinh thần này tiếp tục được phát huy chắc chắn dịch bệnh khó xâm nhập, nếu có xâm nhập chắc chắn sẽ được kiểm soát kịp thời.Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Khê (Quỳnh Phụ) Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương, nguy cơ xâm nhập dịch vào địa phương là rất cao bởi xã không chỉ là địa bàn tiếp giáp với Hải Dương mà còn có thôn Đại Đồng nằm bên kia sông Luộc, giáp ranh với Hải Dương. Song bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn sớm của tỉnh, huyện, địa phương chủ động, tích cực thực hiện ngăn chặn, kiểm soát người từ vùng dịch về nên không có người lây nhiễm trên địa bàn. Đây là kết quả, cũng là kinh nghiệm lớn để địa phương sẵn sàng ứng phó nếu có đợt dịch mới tiếp tục xảy ra. |
(Còn nữa)
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- Diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Bình năm 2024
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam