Thứ 7, 30/11/2024, 03:57[GMT+7]

Ngành Y tế Thái Bình: Sẵn sàng bệnh viện dã chiến nhưng mục tiêu là phải xử lý dứt điểm ngay từ ổ dịch

Thứ 2, 10/05/2021 | 08:48:41
1,373 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Y tế Thái Bình đã triển khai các biện pháp cấp bách, đồng thời chủ động trong mọi tình huống để đáp ứng với diễn biến dịch. Để bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nam Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Người dân khai báo y tế khi đi qua chốt kiểm soát dịch thôn Vô Ngại, xã Tam Quang (Vũ Thư).

Phóng viên: Xin ông cho biết các biện pháp cấp bách ngành Y tế đã triển khai ngay sau khi có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh?

Ông Phạm Nam Thái: Sau khi Thái Bình nhận được thông tin các trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương về, ngành Y tế đã khẩn trương huy động lực lượng y tế từ tỉnh tới cơ sở cùng với các lực lượng phòng, chống dịch như: công an, quân đội và đội cơ động phòng, chống dịch tại cơ sở khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp liên quan. Khi xác định được những trường hợp F1, F2, cán bộ, nhân viên y tế đã khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý môi trường tại chỗ đồng thời tiếp tục truy vết trên diện rộng để xác định thông tin những người có nguy cơ cao đưa vào diện cách ly theo đúng hướng dẫn và xét nghiệm nhanh các trường hợp nguy cơ cao để có biện pháp xử lý. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, các trường hợp dương tính được đưa đi cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; F1 thì được cách ly tập trung tại khu cách ly của các địa phương, F2 hướng dẫn cách ly tại nhà dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Trước mọi diễn biến mới của dịch, ngành đều báo cáo ngay các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tỉnh có chỉ đạo sớm đồng thời tham mưu các biện pháp đáp ứng tình huống mới với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh để tổ chức họp khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng tình huống phát sinh.

Ngoài việc tập trung toàn lực cho công tác truy vết, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch, xử lý môi trường, điều trị triệt để không để dịch lây lan ra cộng đồng, ngành Y tế còn tập trung vào việc phối hợp với các ngành, địa phương cung ứng hậu cần để người dân ở các khu cách ly tiếp tục sinh hoạt, bảo đảm cuộc sống. Với quan điểm của tỉnh bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch phải song song với phát triển kinh tế, dù giãn cách xã hội trên địa bàn nhưng vẫn bảo đảm sản xuất, kinh doanh, ngành cũng đã có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đó là chia nhỏ ca sản xuất, chia nhỏ ca ăn và thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra.

Phóng viên: Ông có nhận định gì về tình hình dịch Covid-19 trong thời gian tới và ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp gì, thưa ông?

Ông Phạm Nam Thái: Đợt dịch lần này diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm, người dân vừa trải qua kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 dài, rất nhiều người dân trong tỉnh đã đi ra tỉnh ngoài sau đó trở về Thái Bình và cũng có nhiều người từ các tỉnh, thành phố khác đến Thái Bình nên nguy cơ lây lan dịch là rất lớn. Bên cạnh đó, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận có bệnh nhân nhiễm Covid-19; nhiều người Thái Bình đã ở các bệnh viện này sau đó về, làm cho nguy cơ dịch lây lan trên địa bàn tỉnh càng cao hơn. Trước thực tế đó, để chủ động phòng, chống dịch, ngành Y tế Thái Bình vẫn đang tập trung quân số 100%, thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng huy động lực lượng mọi lúc, mọi nơi. Trong bối cảnh hiện nay, các ổ dịch Covid-19 có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất kỳ thời điểm nào bởi nguy cơ đang đến từ rất nhiều hướng, nhiều nơi, nhiều nguồn và sẽ có thể bùng phát trên diện rộng nếu chúng ta không quyết liệt huy động tổng lực, toàn diện cho công tác phòng, chống dịch. Do đó, thời gian tới, ngành Y tế xác định sẽ huy động tất cả lực lượng, tập trung vào nhiệm vụ nâng cao năng lực xét nghiệm, nâng cao năng lực cách ly, điều trị và sẵn sàng cho hoạt động bệnh viện dã chiến. Phương châm này, Thái Bình đang thực hiện một cách đồng bộ để có thể đáp ứng yêu cầu cao nhất trong công tác phòng, chống dịch; dập dịch trong thời gian ngắn nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Phóng viên: Để chủ động trong tình huống dịch lan rộng, số lượng bệnh nhân cần điều trị đông, ngành Y tế đã có phương án sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến. Vậy đến nay việc chuẩn bị cho bệnh viện dã chiến đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Nam Thái: Bệnh viện dã chiến đã được Thái Bình xây dựng kịch bản từ năm 2020 trên cơ sở lấy cơ sở vật chất của Bệnh viện Thái Bình là một bệnh viện ngoài công lập mới được thành lập. Đây là bệnh viện rất hiện đại, đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bệnh viện dã chiến này có thể điều trị cùng lúc cho khoảng 400 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Với tình hình hiện nay, Thái Bình có đủ khả năng để có thể đáp ứng được trong tình huống dịch lan rộng. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta là không phải sử dụng đến bệnh viện dã chiến mà phải quyết tâm xử lý dứt điểm các ổ dịch, như chúng ta đã xử lý dứt điểm ổ dịch ở Hòa Tiến vào năm 2020, không để các ổ dịch có cơ hội lây lan. Để làm được điều này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của ngành Y tế, chúng tôi cần sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương đặc biệt là ý thức, tinh thần chủ động phòng, chống dịch của mỗi người dân. Thực hiện đúng khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, việc những người đã có tiếp xúc, có liên quan đến các ổ dịch tự giác khai báo y tế, khai báo trung thực, đầy đủ là việc làm bắt buộc, thể hiện ý thức trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, với chính bản thân mình. Mọi ngành, mọi cấp, mọi nhà, mọi người đều chung tay phòng, chống dịch thì chắc chắn dịch sẽ sớm được khống chế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Lanh 

(thực hiện)