Thứ 7, 30/11/2024, 17:32[GMT+7]

Tập cho đôi mắt sáng lâu

Thứ 2, 24/05/2021 | 08:12:01
2,173 lượt xem
Cổ nhân đã nói: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, minh chứng rằng vai trò của mắt rất quan trọng, nó còn được đặt trên cả vai trò của đôi bàn tay.

Mắt là một bộ phận trên cơ thể luôn vận động, bình thường mỗi giây mắt chớp 5 lần, mỗi ngày mắt chớp khoảng 250 nghìn lần. Vì thế, mắt cũng phải được nuôi dưỡng, tẩm bổ, tập tành như các cơ quan, bộ phận khác. Thời đại 4.0 làm việc bằng máy vi tính, điện thoại thông minh nhiều nên rất dễ mỏi mắt, lâu ngày sẽ dẫn đến mắt mờ, mắt kém.

Chúng ta ai cũng mong sống lâu để tận hưởng cuộc sống, vui với cháu con và chiêm ngưỡng xã hội đổi thay. Vậy mà thử hỏi tuổi cao sức yếu, chân chậm tay run, mắt lòa thì còn tận hưởng và chiêm ngưỡng cái gì?

Tôi khẳng định rằng không ít người chỉ mới quan tâm tới việc tập luyện các cơ quan vận động là chính, như tay chân, toàn thân cơ xương khớp rồi hít thở chứ chưa mấy ai biết tập đúng, tập đủ và tập thường xuyên cho đôi mắt của mình.

Trước hết, nên hiểu về mắt mình:

- Theo y học hiện đại, cấu tạo giải phẫu của mắt rất tinh tế và phức tạp bởi hệ cơ, hệ thần kinh cùng các đặc điểm giải phẫu đặc biệt khác như nhãn cầu, dịch kính, thủy tinh thể, các màng, các cự ly, tiêu cự, tiêu điểm...

- Theo đông y thì mắt được coi là một bộ phận rất quan trọng, được chi phối bởi rất nhiều kinh mạch, liên quan tới các tạng phủ khác của cơ thể, các kinh trong hệ thống kinh mạch như kinh thận, kinh bàng quang, kinh đởm, mạch nhâm, mạch đốc, kinh tỳ, vị...

- Đặc biệt, mắt có các huyệt chi phối liên quan (xem hình, mỗi bên mắt có 7 điểm tương đương với 7 huyệt xung quanh mắt, chúng ta không cần nhớ tên huyệt làm gì cho mệt đầu); 14 huyệt hai bên này được coi như 14 bóng đèn trong hệ thống dàn đèn hỗ trợ thắp sáng cho đôi mắt.

Huyệt Phong trì hai bên được coi như là hai ắc quy cung cấp nguồn năng lượng điện cho các bóng đèn xung quanh hai mắt.

- Xác định huyệt Phong trì bằng cách sờ tay vào đường rãnh gáy hai bên phía sau và kéo lên chân tóc khi nào gặp một cái ụ nhô lên thì ngay dưới cái ụ đó là huyệt Phong trì.

Tập cho mắt theo các bước sau:

1. Day huyệt.

a) Day 14 huyệt quanh mắt:

Hai tay day đồng thời cho cả hai bên: Dùng hai đầu ngón tay trỏ và ngón giữa, day, chà, chìm, chậm, bắt đầu từ khóe mắt cạnh sống mũi day kéo lên đầu lông mày, vòng lên giữa lông mày, kéo sang hai bên đuôi lông mày, kéo xuống đuôi mắt, kéo vào điểm giữa dưới mắt. Day vòng tròn 7 lần như vậy theo chiều kim đồng hồ và day tiếp 7 lần ngược chiều kim đồng hồ.

b) Dùng 2 ngón tay cái tìm huyệt Phong trì hai bên sau gáy cũng day chìm, chậm, sâu, tròn theo chiều kim đồng hồ 7 lần và day ngược chiều kim đồng hồ 7 lần.

c) Dùng 4 đầu ngón tay (trỏ, giữa, áp út và ngón út) đè dọc lên vị trí các huyệt Quang minh, Dương phụ, Huyền chung; ngón cái đè ôm lấy phía trong ống chân; day chậm, chìm, sâu 7 lần, day đồng thời cả hai bên chân ( xem hình).

2. Tập vận mắt.

- Nhắm chặt mắt lại, mở mắt ra và nhìn thật xa (7 lần).

- Liếc nhìn xoay tròn tròng mắt từ từ sang phải (7 lần).

- Liếc nhìn xoay tròn tròng mắt từ từ sang trái (7 lần).

- Nhắm hai mắt một lúc lâu rồi mở bừng hai mắt nhìn ra xa.

Lưu ý:

Ngày tập 2 lần sáng và trưa sau khi ngủ dậy, ngoài ra có thể tập thêm lúc giữa giờ sẽ cải thiện tức thời sau khi làm việc căng thẳng; nếu tập đều hàng ngày thì các bạn sẽ giữ được đôi mắt sáng lâu theo tuổi.

Bác sĩ Bùi vũ khúc

  • Từ khóa