Thứ 7, 30/11/2024, 17:38[GMT+7]

Chủ động tấn công dịch Covid-19

Thứ 3, 25/05/2021 | 08:57:28
850 lượt xem
So với các đợt dịch trước, đợt dịch này được nhận định phức tạp hơn bởi virus SARS-CoV-2 xuất hiện biến thể mới, có tốc độ lây lan nhanh. Trước diễn biến mới, phức tạp của đợt dịch thứ tư, các tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Bình đã chủ động tấn công, đồng thời thực hiện hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất công tác phòng, chống dịch.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại thôn Hưng Đạo, xã Bình Minh (Kiến Xương).

Nếu như ở các đợt dịch trước, các ca nhiễm Covid-19 ghi nhận tại Thái Bình chủ yếu là người nhập cảnh được cách ly ngay và trên địa bàn tỉnh, chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm trong cộng đồng tại xã Hòa Tiến (Hưng Hà) thì ở đợt dịch thứ tư này, số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh tính từ ngày 6/5 đến 17 giờ 30 phút ngày 24/5 đã là 19 ca. Nhận định tình hình dịch có thể còn phức tạp, Thái Bình đã sớm có những chỉ đạo kịp thời, đồng bộ, quyết liệt trong triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với diễn biến mới của dịch.

Kiên định chiến lược phòng, chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc, đó là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”, Thái Bình đã vận dụng sáng tạo, sát tình hình thực tế. Vừa thực hiện phòng dịch nhưng đồng thời cũng nhanh chóng, chủ động tổ chức đợt chống dịch với mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh. Hoạt động lấy mẫu xét nghiệm được tập trung thực hiện trên diện rộng; công suất xét nghiệm được tăng cường. Từ ngày 29/4 đến 17 giờ 30 phút ngày 24/5, gần 33.720 mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm, từ đó phát hiện kịp thời các ca nhiễm Covid-19. Hiện ngành Y tế đang tiếp tục huy động lực lượng, tập trung lấy mẫu cả các trường hợp đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 4 - 13/5/2021; các trường hợp có liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; người dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa; các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đau rát họng... phát hiện qua khai báo y tế, giám sát tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh và nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh. Nâng cao năng lực, tăng công suất xét nghiệm, theo kế hoạch của Sở Y tế, hiện ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Bệnh viện Nhi Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi Thái Bình có thể thực hiện ngay việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 với tổng số hơn 1.170 mẫu đơn/ngày (tương đương khoảng 10.000 mẫu gộp/ngày). Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện 376 mẫu đơn/ngày; Trường Đại học Y Dược Thái Bình và Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thể thực hiện xét nghiệm tối đa 282 mẫu đơn/ngày; Bệnh viện Nhi Thái Bình 138 mẫu đơn/ngày; Bệnh viện Phổi Thái Bình 96 mẫu đơn/ngày.

Cách ly là giải pháp quan trọng trong việc ngăn chặn dịch lây nhiễm ra cộng đồng, phương án phải bảo đảm cách ly cho 10.000 người cũng đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nêu ra trong những cuộc họp gần đây, yêu cầu ngành Y tế tham mưu các giải pháp sẵn sàng cho việc cách ly đồng thời nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về việc cách ly, tuyệt đối không để lây nhiễm Covid-19 trong các khu cách ly tập trung và không buông lỏng quản lý, giám sát cách ly tại nhà. Thực hiện nhiệm vụ này, ngành Y tế đã tiến hành rà soát một số địa điểm có thể thực hiện được việc cách ly tập trung như: khu nhà ở cho sinh viên, ký túc xá Trường Đại học Thái Bình... Phương án thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng đã được tính đến, theo đó Bệnh viện Thái Bình, Bệnh viện Phổi Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh sẽ là các bệnh viện dã chiến khi dịch bùng phát, số người điều trị đông.

Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Thái Bình được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Ông Phạm Nam Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Cùng với việc mở rộng diện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm và bố trí bệnh viện thực hiện thu dung, cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19, một trong những biện pháp chủ động tấn công, bảo đảm hài hòa giữa phòng, chống dịch Covid-19 còn là việc tăng cường phòng, chống dịch tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở khám chữa bệnh. Ngành Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp. Cùng với việc kiểm soát chặt người ra vào, chỉ tiếp nhận điều trị các trường hợp cấp cứu, các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế, thực hiện nghiêm các bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn trong phòng, chống dịch... Các doanh nghiệp thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K”, hướng dẫn của ngành Y tế về việc chia nhỏ ca sản xuất, ăn trưa, khẩn trương thành lập các tổ an toàn Covid-19, thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm... Hiện một số doanh nghiệp đã thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 cho cán bộ, người lao động.

Nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh là rất lớn nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, kịp thời. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tích cực, mọi người dân đã chung sức, đồng lòng. Thế nhưng, với sự nguy hiểm và tốc độ lây lan nhanh của đợt dịch này, không ai được chủ quan, lơ là bởi chỉ một người không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cũng có thể là lỗ hổng khiến cả xã hội phải vất vả.

Hoàng Lanh