Thứ 7, 23/11/2024, 14:03[GMT+7]

Thái Bình quyết tâm hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19

Thứ 5, 19/08/2021 | 09:00:00
1,471 lượt xem
“5K” + vắc-xin được coi là giải pháp hàng đầu mà Việt Nam đưa ra nhằm sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19. Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay đã được phát động trên toàn quốc từ tháng 7/2021. Cùng với các tỉnh, thành phố, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đã, đang và sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh như thế nào? Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Phạm Nam Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Phóng viên: Xin ông cho biết cụ thể việc triển khai và kết quả bước đầu hoạt động tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Thái Bình đến nay.

Ông Phạm Nam Thái: Hiện nay, vắc-xin được coi là chiến lược quan trọng để nhanh chóng đẩy lùi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh hiện nay, vắc-xin về chưa nhiều và được ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Do đó, Thái Bình đang ở trong những đợt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin và tập trung ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch như: y tế, công an, quân đội, tổ Covid-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và một số doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng, sản xuất các dịch vụ thiết yếu. Đợt này đang huy động hơn 70 điểm tiêm chủng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trung tâm y tế, các bệnh viện ngoài công lập, chọn mỗi huyện có 5 trạm y tế có cơ sở vật chất, nhân lực tốt nhất để tiến hành tiêm chủng. Tất cả những điểm tiêm chủng, những người tham gia trực tiếp tiêm đều được tập huấn về chuyên môn thực hiện các bước từ phân loại, sàng lọc, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm, hướng dẫn sau tiêm; đủ năng lực đánh giá, phân loại những trường hợp đủ điều kiện tiêm, trường hợp phải trì hoãn tiêm, chống chỉ định và xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã được bố trí, sẵn sàng xử lý các trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm tại các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm tiêm nhanh nhưng phải an toàn. Đến ngày 14/8, Thái Bình đã hoàn thành 3 đợt tiêm, trong đó hơn 27.000 người được tiêm 1 mũi, hơn 24.000 người được tiêm đủ 2 mũi. Hệ thống tiêm chủng của Thái Bình đã thực hiện đúng, hiệu quả, tiêm đến đâu an toàn đến đó, không để lãng phí vắc-xin.

Phóng viên: Qua các đợt tiêm chủng, việc triển khai có gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Phạm Nam Thái: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1,4 triệu người trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên. Lượng vắc-xin phân bổ về rất ít; trong khi đó, nhu cầu tiêm của người dân lớn. Điều này đặt ra với công tác tiêm chủng là phải phân bổ vắc-xin hợp lý, bảo đảm đúng đối tượng, tiêm nhanh, hiệu quả. Để việc tiêm vắc-xin hiệu quả, đúng đối tượng, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố để phân bổ vắc-xin hợp lý. Việc phân bổ dựa trên tinh thần lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch phải được ưu tiên tiêm trước, tiêm đủ mũi, tiêm nhanh để yên tâm thực hiện nhiệm vụ, sau đó đến các lực lượng khác. Thời gian qua cũng có sự chậm trễ trong triển khai công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tuy nhiên vấn đề này đã sớm được khắc phục. Ngay khi có vắc-xin về, ngành Y tế đã triển khai tiêm rất nhanh, trong một vài ngày đã triển khai tiêm hàng chục nghìn mũi tiêm. Về cơ bản là tiêm đúng tiến độ.
Phóng viên: Vấn đề an toàn tiêm chủng luôn là sự quan tâm hàng đầu của người dân. Ngành Y tế Thái Bình đã chuẩn bị những gì và thực hiện như thế nào để bảo đảm an toàn tiêm chủng, thưa ông?

Ông Phạm Nam Thái: Tại Thái Bình, để bảo đảm an toàn tiêm chủng, tất cả cơ sở tiêm chủng và những người trực tiếp tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải thực hiện đúng các quy trình đã được hướng dẫn của Bộ Y tế từ khâu đón tiếp, khám sàng lọc, thực hiện tiêm, theo dõi sau tiêm và xử trí sự cố sau tiêm. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã thành lập các đội phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ vấn đề tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng để xử lý các bất lợi không mong muốn, những phản ứng cần có sự hỗ trợ về mặt hồi sức. Qua các đợt tiêm chủng, công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, đã xử lý tốt các sự cố bất lợi sau tiêm, trong đó có cả sự cố phản vệ độ 2.

Phóng viên: Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của Thái Bình bắt đầu từ tháng 8/2021 - 4/2022, xin ông cho biết cụ thể hơn về chiến dịch này.

Ông Phạm Nam Thái: Thái Bình đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tỉnh, năm 2021 - 2022. Kế hoạch này được thực hiện từ tháng 8/2021 - 4/2022 với 2 mục tiêu, đó là đến hết năm 2021 bảo đảm 90% công dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19; đến tháng 4/2022 trên 70% dân số được tiêm vắc-xin. Trong kế hoạch sẽ tiêm theo chiến dịch, mỗi ngày có thể tiêm hàng vạn mũi và chia làm 3 đợt, đợt đầu tiêm cho các sở, ban, ngành, các cơ quan, các hiệp hội, tổ chức cộng đồng... sau đó chuyển nhanh sang khối doanh nghiệp với lực lượng lao động đang làm việc tại trong, ngoài các khu, cụm công nghiệp. Với doanh nghiệp có trên 200 công nhân trở lên sẽ tổ chức tiêm tại doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh đã thiết lập hơn 320 điểm tiêm trên toàn tỉnh. Các điểm tiêm này đã được tập huấn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu các điểm tiêm này cùng tiêm đồng loạt thì số lượng tiêm là rất lớn. Song những ngày đầu chỉ tổ chức khoảng hơn 100 điểm tiêm với khoảng 20.000 mũi tiêm/ngày. Sau khi tiêm cho công nhân sẽ tiêm cho những người còn lại là người bệnh nền, người cao tuổi, công nhân ở các doanh nghiệp có dưới 200 công nhân...

Phóng viên: Để thực hiện tốt nhất cho chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

Ông Phạm Nam Thái: Khi thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn thì phải có sự chuẩn bị, trước hết các cơ quan thông tin truyền thông cần tuyên truyền về lợi ích, vai trò của việc tiêm vắc-xin để người dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng, chung tay sớm đẩy lùi đại dịch. Bởi nếu tiêm vắc-xin chậm, chần chừ không tiêm thì sẽ phải sống chung với dịch bệnh dài hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp phải quản lý, nắm chắc số lượng người tiêm chủng. Việc lập danh sách theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn rất quan trọng bởi đây là dữ liệu khi tiến hành tiêm trên diện rộng không mất thời gian nhập số liệu, chờ đợi... Ngoài ra, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý tiêm chủng. Mỗi người dân nếu có điện thoại thông minh cần cài  đặt ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử, quét mã QR Code để khai báo các thông tin phục vụ hoạt động tiêm chủng. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần lập danh sách theo hướng dẫn; phối hợp chuẩn bị sẵn về cơ sở vật chất hỗ trợ cơ quan chuyên môn thực hiện tốt việc tiêm chủng, đồng thời khuyến cáo cán bộ, người lao động cài đặt ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử, có như thế việc tiêm chủng mới hiệu quả, đạt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng để cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư.

Hoàng Lanh
(thực hiện)