Thứ 5, 01/08/2024, 21:17[GMT+7]

Ghi nhận ca mắc nội sinh, chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Thứ 2, 30/08/2021 | 08:45:37
540 lượt xem
Thành phố Thái Bình vừa xuất hiện 1 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) nội sinh tại tổ 9, phường Trần Lãm. Đây là trường hợp mắc SXH nội sinh đầu tiên trên địa bàn phường và là trường hợp thứ hai của thành phố trong năm nay.

Ngày 14/8, khi có biểu hiện sốt trên 39oC, chóng mặt, đau đầu, bệnh nhân mua thuốc về điều trị nhưng không đỡ. Ngày 16/8, bệnh nhân đi khám và nhập viện tại Bệnh viện Lão khoa Phước Hải (thành phố) với chẩn đoán theo dõi SXH. Ngày 17/8, sau khi nhận được thông báo của Bệnh viện Lão khoa Phước Hải về trường hợp nghi mắc SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tiến hành điều tra, xử lý ổ dịch, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh. Kết quả điều tra côn trùng tại 30 gia đình xung quanh nhà bệnh nhân, chỉ số nhà có muỗi ở mức nguy cơ cao. Đặc biệt, 1 tháng gần đây bệnh nhân không đi đâu xa, xung quanh nhà bệnh nhân và nơi làm việc không có ai có biểu hiện bệnh như bệnh nhân. Ngày 18/8, bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh với kết quả xét nghiệm IgG/IgM dương tính với SXH.

Bệnh SXH là bệnh không lây trực tiếp từ người sang người, bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt và bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu phát hiện muộn, không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nặng nề, thậm chí gây tử vong. Những năm gần đây, SXH vẫn là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận nhiều ca tử vong do căn bệnh này gây ra. Trong những ca tử vong do SXH, có nhiều ca không đến viện mà tự điều trị tại nhà.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 9 trường hợp mắc SXH, trong đó có 2 ca SXH nội sinh đều ở thành phố: xã Đông Hòa 1 ca, phường Trần Lãm 1 ca. Mặc dù số trường hợp mắc SXH giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước song do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều người dân e ngại khi có biểu hiện bệnh mà không đến khám, điều trị tại bệnh viện gây thêm khó khăn cho công tác phát hiện ca bệnh. Đáng lưu ý, phần lớn các trường hợp bệnh diễn biến nặng do người bệnh chủ quan, tự điều trị tại nhà.

Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo sát sao các trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn tăng cường triển khai các biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nắm chắc đối tượng, giám sát chặt chẽ các ca bệnh để có phương án chủ động đối phó khi có tình huống xảy ra. Thực hiện nghiêm công tác giám sát chỉ số côn trùng, véc-tơ truyền bệnh, giám sát, điều tra, thống kê ca bệnh, dịch truyền nhiễm, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi... Cùng với đó, rà soát, thống kê, bổ sung, bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời khi xảy ra dịch.

Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân, trong điều kiện thời tiết nắng mưa đan xen là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển, gia tăng nguy cơ thành dịch. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp tử vong và không xuất hiện các ổ dịch lớn nhưng đối với loại bệnh truyền nhiễm này, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng, chống hiệu quả. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng, chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh. Khi có dấu hiệu SXH như: sốt cao đột ngột 39 - 40oC; tình trạng sốt có thể kéo dài và rất khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau nhức khớp và cơ; buồn nôn..., người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị, tránh trường hợp nhập viện muộn khiến bệnh diễn biến nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Hoàng Thía
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày