Thứ 3, 23/07/2024, 04:27[GMT+7]

Những chiến sĩ áo trắng Thái Bình nơi tâm dịch

Chủ nhật, 10/10/2021 | 23:22:08
639 lượt xem
Đến nay đã gần 50 ngày kể từ ngày đoàn công tác số 2 vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19. Với tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng sẻ chia khó khăn cùng sự quyết tâm, nỗ lực, những chiến sĩ áo trắng Thái Bình đã góp phần cùng Thành phố Hồ Chí Minh từng bước kiểm soát dịch bệnh, giảm số ca nhiễm và tử vong do Covid-19.

Cán bộ y tế Thái Bình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cường độ làm việc cao

 Vừa trở về từ chuyến công tác hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19 nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số giảng viên và sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình lại tiếp tục tham gia đoàn cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên Thái Bình lên đường hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch. Dẫu biết đây sẽ là hành trình nhiều khó khăn, vất vả, thời gian công tác lâu hơn song các chiến sĩ áo trắng Thái Bình vẫn mong muốn được góp công sức chung tay cùng Thành phố Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch bệnh. 

Bác sĩ Phạm Thị Dung, trưởng đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình chia sẻ: So với nhiệm vụ phòng, chống dịch ở Bắc Giang thì nhiệm vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh khó khăn, phức tạp hơn bởi khi tham gia chống dịch tại Bắc Giang đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên Thái Bình chỉ quản lý khu cách ly là những trường hợp F1 và tham gia lấy mẫu trong cộng đồng; lần này, nhiệm vụ chính của đoàn là lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng; điều trị hơn 3.000 F0 tại 7 khu cách ly tập trung ở huyện Nhà Bè và hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở quận Bình Tân. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, các thành viên trong đoàn công tác chia thành 2 đoàn, trong mỗi đoàn có từng nhóm nhỏ. Đoàn công tác đảm nhận việc lấy mẫu xét nghiệm tại toàn bộ 7 xã, thị trấn của huyện Nhà Bè và 4 phường của quận Bình Tân. Giai đoạn đầu rất vất vả do số lượng F0 trong cộng đồng đông, nhiều địa bàn phức tạp, có nhóm phải thực hiện lấy mẫu cả ban đêm. Nhóm điều trị tại các khu cách ly tập trung lại càng vất vả hơn bởi bệnh nhân điều trị trong khu cách ly hầu hết có triệu chứng viêm long đường hô hấp, sốt, tiêu chảy, nhiều bệnh nhân có bệnh nền, bệnh nhân trên 65 tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai. Công việc nhiều, nguy cơ lây nhiễm cao song các thành viên trong đoàn luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đã có những tín hiệu tích cực, số người mắc mới giảm đáng kể, số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện tăng cao mỗi ngày.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều trị, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã chủ động tham mưu với huyện Nhà Bè về mô hình dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19 tại các khu cách ly do đoàn phụ trách. Cụ thể, ngoài thuốc điều trị Covid-19 thông thường và thuốc điều trị bệnh lý mạn tính kèm theo, các khu cách ly đã bổ sung thêm đa vi chất cho bệnh nhân như vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin A-D, canxi, kẽm. Bữa ăn của bệnh nhân cũng được quan tâm hơn, bổ sung thêm 3 - 4 quả trứng/ tuần và các loại trái cây sẵn có tại địa phương. Trong khẩu phần cho người già, trẻ em, người mất vị giác, ăn kém có bổ sung sữa. Nhờ đó, chỉ sau 7 ngày đã có từ 40 - 50% bệnh nhân có thể xuất viện. 

Cuộc chiến chưa từng có 

Tham gia hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt thứ hai, cùng với 250 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu trong cộng đồng, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong các khu cách ly còn có 51 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đến từ các bệnh viện trong tỉnh do bác sĩ Trần Khánh Thu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) làm trưởng đoàn trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý nền nặng tại Bệnh viện dã chiến quận Bình Thạnh. Khi nhiễm Covid-19, cao tuổi, lại có bệnh lý nền nặng, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, việc điều trị càng thêm vất vả. Thế nhưng, những chiến sĩ áo trắng Thái Bình không hề quản ngại, bằng tình cảm, trách nhiệm, họ đã làm việc với cường độ và tinh thần cao nhất để giành lại sự sống cho người bệnh. 

Bác sĩ Trần Khánh Thu cho biết: Đây thực sự là một cuộc chiến đặc biệt mà tôi và các thành viên trong đoàn trải qua. Không có tiếng súng, chỉ có tiếng monitor, máy thở, tiếng rên của người bệnh nhưng mức độ khốc liệt có thể không hề kém những cuộc chiến tranh khác. Thời gian đầu mới vào, số lượng bệnh nhân đông, liên tục có những ngày cao điểm điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân. Khối lượng công việc lớn, áp lực, có những ngày phải cấp cứu xuyên đêm để giành giật sự sống cho người bệnh. Thời gian ngủ, nghỉ ít song mọi người đều cố gắng, quyết tâm. Niềm vui và động lực lớn nhất của chúng tôi là bệnh nhân được cứu sống, hồi phục tốt, ra viện; tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh dần được kiểm soát, bắt đầu kế hoạch bình thường mới. Để có được tinh thần đó, ngoài nỗ lực cá nhân còn có niềm tin vào hệ thống, chúng tôi luôn biết mình không đơn độc. 

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nặng, đoàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế Thái Bình đã có nhiều sáng kiến để công tác điều trị đạt được kết quả cao nhất như: sắp xếp, bố trí khu phân luồng bệnh nhân; phân tách khu vực sạch, phơi nhiễm; sáng chế công cụ hỗ trợ để giúp bệnh nhân cao tuổi ăn, uống thuận tiện hơn, giúp bệnh nhân có thể tự uống nước khi nhân viên y tế không ở cạnh chăm sóc... 

Hiện nay, nhiều quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm soát được dịch bệnh, bước vào giai đoạn bình thường mới. Đây là niềm vui không chỉ của người dân Thành phố mà còn là niềm vui chung của người dân cả nước, trong đó có những cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, giảng viên, sinh viên Thái Bình, những người đã không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch. 

Ngày trở về có lẽ sẽ không còn xa đối với những chiến sĩ áo trắng trong đoàn cán bộ y tế, sinh viên y khoa Thái Bình song với họ đó là những ngày không thể nào quên. Từ thành quả chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta lại có thêm niềm tự hào về tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia, sẵn sàng dấn thân và cống hiến vì sức khỏe nhân dân, vì miền Nam thân yêu. Càng khó khăn, gian khổ, tinh thần ấy càng tỏa sáng. 

Niềm vui của các thành viên trong đoàn khi bệnh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh được điều trị khỏi, xuất viện. 

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày