Thứ 2, 25/11/2024, 12:32[GMT+7]

Tăng cường kiểm soát dịch trong tình hình mới

Thứ 7, 23/10/2021 | 22:03:09
252 lượt xem
Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các địa phương trong tỉnh xác định rõ nới lỏng chứ không buông lỏng phòng, chống dịch; tiếp tục quyết tâm cao, huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, giữ cho được vùng xanh an toàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Người dân phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: Mai Thư

Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh năm 1996, hiện sinh sống ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Sau khi biết thông tin có thể trở về quê hương ở thôn Hợp Long, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, chị đã liên hệ với Trạm Y tế xã Việt Thuận để tìm hiểu về thủ tục cũng như các quy định khi trở về địa phương. 

Chị Huyền cho biết: Gần 5 tháng nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi chưa được về nhà thăm bố mẹ. Khi Thái Bình có những điều chỉnh việc kiểm soát người ra, vào tỉnh trong tình hình mới, tôi đã liên hệ với địa phương để tìm hiểu thủ tục. Vùng tôi sinh sống là vùng xanh, bản thân đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhưng tôi vẫn không thể chủ quan bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường.

Chị Huyền là 1 trong 31 trường hợp từ các tỉnh, thành phố trở về xã Việt Thuận từ tối ngày 16/10 đến nay. Bác sĩ Trần Xuân Hải, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Trạm đã áp dụng nghiêm các công văn chỉ đạo của tỉnh, ngành Y tế, huyện Vũ Thư và UBND xã trong việc kiểm soát người ra, vào tỉnh trong tình hình mới. Tất cả những người từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương trong những ngày qua đều đến Trạm khai báo và được tư vấn, hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp. Trong 31 trường hợp trên có 6 trường hợp trở về từ các tỉnh phía Nam nên đã được đưa đi cách ly tập trung, số còn lại hướng dẫn cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Để tăng cường kiểm soát dịch trong tình hình mới, tỉnh Thái Bình và ngành Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong đó phải kể đến việc tổ chức giám sát, theo dõi của các tổ tự quản thôn, tổ dân phố. 

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) cho biết: Thời gian qua, xã duy trì hoạt động của 5 tổ tự quản tại 5 thôn, các tổ có nhiệm vụ nắm bắt chặt chẽ di biến động dân cư, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho người dân. Cùng với đó, hỗ trợ lực lượng chức năng nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi về địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hưu, tổ phó tổ tự quản thôn Lương Mỹ, xã Quỳnh Hội chia sẻ: Tổ tự quản của thôn có 8 người. Chúng tôi phân công mỗi người phụ trách theo dõi di biến động dân cư trong từng gia đình, ở từng con ngõ.

Trong thời gian này, việc rà soát, nắm bắt công dân trở về từ các tỉnh, thành phố được các thành viên trong tổ đặc biệt chú trọng. Các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thôn đã được chúng tôi xây dựng cụ thể, chi tiết, vừa giúp bà con ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. 

Người trở về từ các tỉnh, thành phố khác đến khai báo y tế tại Trạm Y tế xã Việt Thuận (Vũ Thư).

Ý thức của người dân - yếu tố quan trọng hàng đầu ngăn chặn dịch Covid-19

 Với mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, các huyện, thành phố luôn sẵn sàng các phương án tốt nhất để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, chợ dân sinh, siêu thị... Ghi nhận trong những ngày qua tại các địa phương cho thấy, ý thức của người dân và các cơ sở kinh doanh, chợ dân sinh, siêu thị đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn cần sự nghiêm túc hơn nữa của người dân để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tốt hơn. Trên địa bàn thành phố Thái Bình, tại nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, siêu thị..., việc hướng dẫn khách hàng quét mã QR hoặc lưu lại thông tin khách hàng được thực hiện nghiêm. 

Chị Nguyễn Thị Tươi, nhân viên một siêu thị trên đường Lê Quý Đôn cho biết: Khi khách đến mua hàng, chúng tôi đều hướng dẫn quét mã QR. Nếu khách hàng không sử dụng điện thoại thông minh, chúng tôi đề nghị khách hàng cung cấp thông tin để thuận tiện cho việc liên lạc nếu dịch có diễn biến mới. Đây là việc làm cần thiết vừa bảo vệ nhân viên, cơ sở kinh doanh vừa bảo vệ khách hàng, từ đó, tạo sự yên tâm cho khách hàng khi đến mua sắm. 

Bên cạnh các cơ sở kinh doanh, người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch thì vẫn còn không ít người có tâm lý chủ quan, lơ là, chưa nâng cao ý thức trách nhiệm, không thực hiện khuyến cáo của ngành Y tế và chính quyền địa phương. Tại chợ Đề Thám, một trong những chợ dân sinh sầm uất nhất thành phố Thái Bình, phần lớn người dân đều thực hiện việc đeo khẩu trang khi vào chợ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số người dân, tiểu thương vẫn chủ quan, không đeo khẩu trang, chưa chú ý đến khoảng cách trong giao tiếp. Cũng giống như các chợ dân sinh, tình trạng trên diễn ra tại nhiều quán ăn, quán cà phê. Nhiều cửa hàng ăn uống tấp nập khách ra vào, không ít cửa hàng chưa thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K”, nhất là chưa thực hiện việc giãn cách. Mặc dù trước lối vào của mỗi cơ sở kinh doanh ăn uống đều có mã QR nhưng rất ít khách hàng thực hiện việc quét mã QR hoặc lưu lại thông tin cho cơ sở kinh doanh. 

Thái Bình đang là vùng xanh an toàn, tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan luôn thường trực, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. “Một người lơ là, cả xã hội vất vả”. Do đó, việc chủ động rà soát, nắm bắt, phân loại người trở về từ các tỉnh, thành phố và có biện pháp quản lý, cách ly phù hợp; đặc biệt, ý thức tự giác của mỗi người dân trong phòng, chống dịch sẽ góp phần quan trọng giữ vững thành quả phòng, chống dịch đang có, đồng thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Đặng Anh