Thuốc lá và bệnh lý đường hô hấp Kỳ 2: Hút thuốc lá - nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh về phổi
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là thuật ngữ để chỉ những tổn thương ở phổi có liên quan đến sự tắc nghẽn đường thở. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi sự rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn, được khẳng định chẩn đoán dựa vào đo hô hấp ký đồ với nghiệm pháp giãn phế quản không hồi phục hoàn toàn. Khi bị mắc bệnh COPD, bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tâm phế mạn và tử vong. COPD là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ tư trên thế giới. Mối liên quan giữa COPD và hút thuốc cũng mạnh như với ung thư phổi.
Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra COPD, có khoảng 15% người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng lâm sàng COPD và 80 - 90% người mắc COPD là nghiện thuốc lá. Hút thuốc lá làm cho các yếu tố nguy cơ khác của bệnh này trở nên mạnh hơn. Đặc biệt, những người hút thuốc lá bị ảnh hưởng xấu hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc so với người không hút thuốc. Người hút thuốc lá có tỷ lệ tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút.
2. Bệnh hen phế quản
Hen được đặc trưng bởi tính phản ứng quá mức của đường dẫn khí. Sự phản ứng quá mức này dẫn đến các cơn hen phế quản, bệnh nhân thở khò khè, ho hoặc khó thở.
Hút thuốc không phải là nguyên nhân gây ra cơn hen nhưng nó làm cho tình trạng bệnh hen nặng lên. Những người bị hen phế quản hút thuốc sẽ có tăng tiết đờm, giảm cử động của lông chuyển phế quản, tăng nhạy cảm với nhiễm trùng, tăng giải phóng các chất dị ứng tác dụng nhanh và phá hủy các đường dẫn khí nhỏ. Tỷ lệ tử vong ở người bị hen phế quản đang hoặc đã từng hút thuốc tăng gấp trên 2 lần so với những người không hút thuốc.
3. Nhiễm trùng đường hô hấp
Những người hút thuốc lá hay bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn những người không hút và thường bị nặng hơn. Trẻ em có bố mẹ hút thuốc lá bị bệnh đường hô hấp nhiều hơn trẻ em có bố mẹ không hút thuốc. Những người hút thuốc lá không chỉ hay bị viêm phổi hơn mà còn bị tử vong nhiều hơn. Những phụ nữ có thai bị viêm phổi mà hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày có tiên lượng xấu hơn những người không hút (tử vong mẹ, con...). Những người hút thuốc lá cũng hay bị cúm. Vắc-xin phòng cúm ít hiệu quả đối với người hút thuốc lá và tỷ lệ tử vong do cúm ở những người hút thuốc lá cao hơn nhiều so với nhóm người không hút thuốc.
4. Ung thư phổi
Thông thường, khi chúng ta hít thở, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi, miệng - nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi đi qua khí quản để vào phổi. Khi khói thuốc đi vào miệng, người hút thuốc đã bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi nên sẽ đưa nhiều độc tố vào cơ thể hơn.
Người hút thuốc lá thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút thuốc và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp cũng kém hơn do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt hoặc thậm chí đã bị phá hủy. Bên cạnh đó, khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy cũng như thành phần của chất nhầy. Đôi khi, các tuyến tiết nhầy bị tắc, làm giảm khả năng bài tiết đờm của người hút thuốc. Hậu quả chính là chất nhầy bị nhiễm nhiều chất độc hại từ khói thuốc, bị giữ lại trong phổi và cản trở sự lưu thông trao đổi không khí.
Hút thuốc lá cũng gây tăng tính đáp ứng đường thở. Do ảnh hưởng của các chất độc hại có trong khói thuốc lá, đường thở dễ bị co thắt, luồng khí hít vào và thở ra bị cản trở, tạo các tiếng ran rít, ran ngáy khi thở và có thể gây khó thở. Những người hút thuốc dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn, dễ mắc lao phổi, bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư phổi của những người có thói quen hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với những người không hút. Mức độ tăng nguy cơ mắc bệnh tùy thuộc vào loại tế bào ung thư.
Ở hầu hết các nước, thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 90% ca tử vong vì ung thư phổi. Trên thực tế, bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện sớm thì cơ hội kéo dài cuộc sống trên 5 năm hay thậm chí chữa khỏi được là rất cao. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam ung thư phổi vẫn là căn bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu vì thường được phát hiện muộn. Vì vậy, phát hiện sớm ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng.
Hoàng Thía
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Tin cùng chuyên mục
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 22/1 22.01.2022 | 20:53 PM
Xem tin theo ngày
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, chúc tết Trường Đại học Y Dược Thái Bình
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ chính trị dịp tết Nguyên đán tại phường Trần Hưng Đạo
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự và sẵn sàng chiến đấu ở một số cơ quan, đơn vị
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Tặng quà Làng trẻ em SOS Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy trao quà tết tại xã An Thanh
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ