Thứ 5, 23/01/2025, 20:28[GMT+7]

Tăng cường hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm

Thứ 3, 25/01/2022 | 08:26:20
1,304 lượt xem
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao. Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trước, trong và sau tết, những ngày này, cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông, các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra về ATTP tại các cơ sở thuộc ngành, địa phương quản lý.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh dụng cụ đựng thực phẩm tại nhà hàng 30-6 (thành phố Thái Bình).

Dịp tết, tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thường tổ chức các bữa tiệc liên hoan cuối năm, tất niên... Do đó, từ ngày 19/1/2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) đã phối hợp với các ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra về ATTP tăng cường kiểm tra tại các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã tiến hành kiểm tra các thủ tục pháp lý về ATTP; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm; việc lưu mẫu thức ăn và chế độ kiểm thực 3 bước; đồng thời lấy mẫu khi cần thiết đối với những thực phẩm nghi ngờ chứa hóa chất bảo quản.

Ông Ngô Quốc Thịnh, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Để góp phần bảo đảm ATTP trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, Chi cục đã tham mưu với Sở thành lập các đoàn kiểm tra về ATTP. Mục tiêu nhằm kiểm soát nguyên liệu, các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đông người nhằm phòng ngừa, hạn chế ngộ độc thực phẩm; đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức của chủ cơ sở kinh doanh, người chế biến thực phẩm để lựa chọn, bảo quản nguyên liệu đúng cách, bảo đảm bữa ăn an toàn cho người dân. Trong quá trình kiểm tra, nếu cơ sở nào vi phạm hành chính chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.

Càng gần đến tết, lượng thực phẩm tiêu thụ càng tăng. Vì thế, ngành nông nghiệp đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, kinh doanh gia súc, gia cầm, thủy sản; sản phẩm thủy hải sản, rau, củ, quả và sản phẩm nông sản thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành. Những trường hợp vi phạm cũng được nhắc nhở, xử lý nghiêm.

Bà Bùi Thị Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Thực hiện kế hoạch của tỉnh, Chi cục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Trong dịp tết Nguyên đán, chúng tôi tăng cường phối hợp với các ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra các nguyên liệu đầu vào tại các cửa hàng ăn uống, chế biến sẵn; các quy định pháp luật về mua, bán nguyên liệu đầu vào; đồng thời hướng dẫn lựa chọn nguyên liệu đầu vào bảo đảm an toàn dịp tết. Bên cạnh đó, Chi cục đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tổ chức kiểm tra ATTP đối với các lĩnh vực thuộc quản lý của ngành nông nghiệp. Hiện Chi cục đã tăng cường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, chú trọng các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm mà người dân sử dụng nhiều như: gạo, giò chả và các loại sản phẩm đặc trưng khác.

Xe lưu động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không chỉ ngành y tế và ngành nông nghiệp, ngành công thương, lực lượng quản lý thị trường cùng các huyện, thành phố cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATTP với mục tiêu phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm đông người; nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở, người chế biến thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP. Riêng năm 2021, các ngành đã kiểm tra hơn 8.400 lượt cơ sở; xử lý hàng trăm vụ việc liên quan tới ATTP và xử phạt hàng trăm triệu đồng... Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, nhiều thực phẩm không bảo đảm an toàn cũng bị tịch thu, tiêu hủy.

Bên cạnh việc kiểm tra, công tác tuyên truyền về ATTP cũng được các ngành, địa phương đẩy mạnh hơn dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán. Nội dung tuyên truyền được thể hiện qua nhiều kênh thông tin; hình thức đa dạng nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định hiện hành; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Nhiều thông điệp về ATTP cũng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn; không sử dụng phẩm màu, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm; vì sức khỏe và phát triển bền vững, hãy sản xuất ra những sản phẩm thực phẩm chất lượng, an toàn. Người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm...

Thay đổi những thói quen không tốt trong chế biến, kinh doanh thực phẩm của các hộ cá thể cũng như thói quen tiêu dùng của người dân là việc cần làm để bảo đảm ATTP, nhất là khi tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương và ý thức trách nhiệm từ mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và sự lựa chọn thực phẩm đúng cách, người dân sẽ đón tết Nguyên đán Nhâm Dần an toàn, vui tươi và bảo đảm sức khỏe.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày