Thứ 7, 11/01/2025, 11:02[GMT+7]

10 kết quả nổi bật công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021

Thứ 2, 31/01/2022 | 09:49:36
2,080 lượt xem
Năm 2021 là năm thứ hai dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong nước. Tại Thái Bình, bám sát chỉ đạo của trung ương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả. Báo Thái Bình tổng hợp 10 kết quả nổi bật công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021.

1. Chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch
Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành gần 20 chỉ thị, công điện chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch, đáp ứng khẩn cấp trước các đợt cao điểm như: tết Nguyên đán Tân Sửu, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trước tình huống dịch phát sinh trong nước, các tỉnh lân cận, trong tỉnh. Trong mọi thời điểm, công tác phòng, chống dịch luôn được đặt là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.  Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp thường xuyên được kiện toàn, duy trì họp hàng tuần triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch và chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với mọi tình huống. Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành hàng trăm công văn, kế hoạch, hướng dẫn các nội dung cụ thể phòng, chống dịch làm cơ sở để các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

2. Các ca bệnh được thần tốc truy vết, ổ dịch được khống chế kịp thời, không lây lan rộng
9 tháng đầu năm, mặc dù tình hình dịch trong nước diễn biến phức tạp song Thái Bình chỉ ghi nhận 148 ca mắc Covid-19, là một trong những tỉnh có số ca mắc thấp nhất trong nước. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Thái Bình là tỉnh xuất hiện ca F0 tại cộng đồng muộn nhất. Từ ngày 10/11 đến ngày 31/12, toàn tỉnh ghi nhận 2.536 ca mắc Covid-19. Với tinh thần thần tốc truy vết, khoanh vùng, các ổ dịch đều được bao vây kịp thời, không có lây lan rộng, tình hình dịch trong tỉnh được kiểm soát tốt.


3. Thu dung, điều trị 100% bệnh nhân Covid-19, không có tử vong

100% ca mắc Covid-19 được thu dung, cách ly, điều trị, trong đó đã điều trị khỏi 2.157 bệnh nhân, chuyển viện 18 ca, tiếp tục điều trị 509 ca. Ngành y tế đã kích hoạt 5 bệnh viện và cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, tổng số 1.000 giường bệnh, thực hiện điều trị theo tháp 3 tầng. Từ tháng 12/2021, 8 bệnh viện và cơ sở điều trị tuyến huyện cũng được kích hoạt để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngành y tế đã đưa vào chương trình điều trị thử nghiệm bằng thuốc kháng virút Molnupiravir, rút ngắn thời gian điều trị và giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế lây nhiễm, ít bệnh nhân nặng, không có tử vong.

4. Nâng cao năng lực xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, đạt hơn 20.000 mẫu gộp/ngày
Toàn ngành y tế tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. 100% trạm y tế cơ sở triển khai xét nghiệm test nhanh, khuyến khích, hướng dẫn người dân tự nguyện xét nghiệm sàng lọc. Có 7 cơ sở y tế triển khai xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR; công suất xét nghiệm đạt 1.924 mẫu đơn/ngày (tương đương gần 20.000 mẫu gộp). Có 3 đơn vị được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định Covid-19. Toàn ngành đã huy động trên 1.200 cán bộ y tế tham gia lấy mẫu. Đến ngày 31/12/2021 đã xét nghiệm tổng 264.501 mẫu. Việc nâng cao năng lực xét nghiệm giúp sớm phát hiện ca mắc, đưa bệnh nhân vào điều trị, kịp thời khoanh vùng ổ dịch, hạn chế lây nhiễm.

5. Tăng tốc tiêm vắc-xin, thực hiện hơn 2,54 triệu mũi tiêm phòng Covid-19
Khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin từ cuối tháng 4/2021, đến hết ngày 31/12/2021, toàn tỉnh đã thực hiện 32 đợt tiêm, với tổng số 2.544.607 mũi tiêm, trong đó có 2.350.747 mũi tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên; 193.860 mũi tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Với việc tăng tốc tiêm vắc-xin, Thái Bình là tỉnh có độ bao phủ vắc-xin cao (đạt 99,71% người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi).

6. Chuyển thành công sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Thái Bình là một trong những tỉnh đầu tiên áp dụng giãn cách xã hội, kích hoạt lại 9 tổ kiểm soát liên ngành tại 9 cửa ngõ ra, vào tỉnh, thực hiện  kiểm soát dịch thành công giai đoạn 1. Là một trong những tỉnh đầu tiên gỡ bỏ 9 chốt kiểm soát ra, vào tỉnh, tạo điều kiện thông thương hàng hóa, sớm chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thay vì chốt chặn, tỉnh phát huy hoạt động của 1.200 tổ tự quản, gần 1.800 tổ Covid-19 cộng đồng tăng cường kiểm soát, quản lý người đến, về tỉnh. Việc chuyển nhanh sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trong 3 tháng cuối năm đã giúp các ngành, địa phương tăng tốc, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 góp phần đưa tăng trưởng GRDP của tỉnh đứng thứ 14 cả nước.

7. Chi viện thành công các điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, bùng phát tại một số địa phương, Thái Bình đã cử 3 đoàn công tác với 869 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng và sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình tình nguyện hỗ trợ các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Bắc Ninh (tháng 5), Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 7, 8) phòng, chống dịch. Cùng với đội ngũ cán bộ ngành y tế, gần 100 chiến sĩ lực lượng vũ trang Thái Bình cũng được huy động vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Tinh thần “thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người” của Thái Bình một lần nữa tỏa sáng giữa thời bình.

8. Lan tỏa phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch

Tháng 6/2021, UBND tỉnh đã phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch. Phong trào không chỉ nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh còn tích cực đóng góp, ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tổng số tiền tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch năm 2021 đạt hơn 22,2 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế… Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã gửi tặng 10.500 suất quà trị giá hơn 4,7 tỷ đồng cho nhân dân các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; tổ chức đón 1.197 công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam về địa phương. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, có trên 174.000 người lao động, người dân, 2.814 doanh nghiệp đã được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng; 186.462 người lao động được chi trả từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 442,4 tỷ đồng.

Niềm vui của bệnh nhân Covid-19 khi được công bố khỏi bệnh.

9. Vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa thực hiện hơn 2,25 triệu lượt ca khám, điều trị
Thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế vẫn duy trì, nâng chất lượng công tác khám chữa bệnh, phát triển kỹ thuật mới. Trong năm, đã thực hiện 2.154.492 lượt khám, 566.080 lượt điều trị, trong đó có 298.431 lượt điều trị nội trú, 58.149 lượt phẫu thuật. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu như: phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch kín, thay van hai lá sinh học, khâu lỗ thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh... được triển khai tiếp tục khẳng định chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện trong tỉnh.

10. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch
Trong bối cảnh phải hạn chế tập trung đông người, các ngành, các cấp đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đồng thời bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hầu hết các cuộc họp, hội nghị ở cả ba cấp được tổ chức trực tuyến; ngành công an, y tế đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý di biến động dân cư, quản lý tiêm chủng vắc-xin... Công tác tuyên truyền được thực hiện toàn diện, kịp thời. Công tác bảo đảm an ninh trật tự; đấu tranh, xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch được tăng cường góp phần giữ vững an ninh trật tự, ổn định tâm lý trong nhân dân.


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày