Thứ 7, 06/07/2024, 18:23[GMT+7]

Dinh dưỡng cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà

Thứ 4, 09/03/2022 | 08:39:36
1,050 lượt xem
Với người bệnh nói chung, bệnh nhân Covid-19 nói riêng, dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, người bệnh có thể suy dinh dưỡng, từ đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng và kéo dài.

Những suất ăn giàu dinh dưỡng được mang tới từng buồng bệnh.

Vậy bệnh nhân Covid-19 cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào để giúp hỗ trợ và cải thiện “hàng rào” bảo vệ cơ thể? Bác sĩ Trần Khánh Thu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh có những chia sẻ với phóng viên Báo Thái Bình về nội dung này.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết vai trò của dinh dưỡng trong điều trị Covid-19?

Bác sĩ Trần Khánh Thu: Chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng với sức khỏe của mỗi người; đối với bệnh nhân Covid-19, việc tuân thủ tốt về dinh dưỡng còn mang ý nghĩa như một liều thuốc hiệu quả trong quá trình điều trị. Bởi dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện “hàng rào” bảo vệ cơ thể như: tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày; làm tăng sức đề kháng, giúp nâng cao thể trạng và hạn chế biến chứng. Khi bị mắc Covid-19, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống, do vậy cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng. 

Phóng viên: Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân Covid-19 là gì? Khi mắc Covid-19, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc về dinh dưỡng như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trần Khánh Thu: Người mắc Covid-19 mức độ nhẹ ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng, thể chất bình thường. Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá, đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, cần tăng cường ăn trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (tỏi, gừng). Người bệnh cũng cần uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Ngoài ra, có thể bổ sung 1 - 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa khi ăn kém do sốt, ho, mệt mỏi hoặc người có thể trạng gầy, trẻ em, người già... Khi bị mắc Covid-19, người bệnh không được bỏ bữa; hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ nhiều muối. 

Đối với F0 không có triệu chứng thì chế độ ăn như người khỏe mạnh bình thường. Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể; tăng cường các thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch. Khẩu phần ăn hàng ngày cần có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa chất đạm cũng như chất béo động vật và thực vật. Nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, các loại đậu đỗ, dầu thực vật, hạn chế các chất béo từ thịt gia súc, gia cầm; sử dụng chất đạm đa dạng từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. 

Hạn chế các loại thịt đỏ; tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như cá, hải sản, trứng, sữa và các chế phẩm của sữa, thịt gia cầm, các loại đậu đỗ, đậu tương và sản phẩm từ đậu tương; tăng cường sử dụng rau xanh và hoa quả trong bữa ăn hàng ngày (nhu cầu rau xanh 300 - 400g/người/ngày và quả chín 200 - 300g/người/ ngày) và bổ sung nước thường xuyên. Không nên sử dụng rượu, bia vì ảnh hưởng đến việc theo dõi diễn biến của bệnh. Ngoài lựa chọn thực phẩm cần lưu ý đến việc chế biến thức ăn. Khi chế biến nên dùng thêm các loại gia vị như hành, tỏi, sả, gừng... Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến.

Phóng viên: Trẻ em mắc Covid-19 có những lưu ý đặc biệt gì về dinh dưỡng, thưa bác sĩ? 

Bác sĩ Trần Khánh Thu: Với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Đối với trẻ ở các lứa tuổi khác thì cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng). Không quá kiêng ăn uống đối với trẻ; cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản... bởi đây cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn tăng thêm rau, quả có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin E, sắt, kẽm... giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương. Hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo, nội tạng động vật. 

Tránh các thức ăn đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ. Cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là khi trẻ đang sốt, nôn, tiêu chảy; có thể cho trẻ uống nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi trẻ sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho trẻ uống dung dịch Oresol theo hướng dẫn. Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần mềm, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh, thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn. 

Hạn chế cách chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói. Sau khi trẻ đã khỏi bệnh, cần cho trẻ ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất 2 tuần để trẻ có thể nhanh chóng trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường. Để dự phòng mắc bệnh cho trẻ, phụ huynh cần giữ nhà cửa thông thoáng, tăng cường vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh mũi, họng, giữ ấm cơ thể, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ! 

HOÀNG LANH

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày