Thứ 3, 13/05/2025, 03:29[GMT+7]

Củng cố y tế học đường

Thứ 6, 01/03/2013 | 14:33:06
1,434 lượt xem
Thực trạng thiếu cán bộ y tế chuyên trách, thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế vẫn phổ biến ở các trường học khiến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh bị bỏ ngỏ.

Rửa tay bằng xà phòng - biện pháp tích cực phòng, chống bệnh tật

Thiếu thốn đủ đường

 

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay cả nước có hơn 28.000 trường học thuộc các bậc học, ngành nghề khác nhau với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên, chiếm hơn 1/4 dân số cả nước. Tuy nhiên mới có gần 60% phòng học đạt yêu cầu thông gió và chiếu sáng. 49% trường sử dụng nguồn nước máy, 42% trường dùng nước giếng khoan có lọc cho sinh hoạt, vẫn còn 9% trường ngoại thành dùng nước giếng khoan không lọc và nước mưa, gần 30% trường chưa có đủ nước uống và nguồn nước sinh hoạt phục vụ học sinh và giáo viên. 75% trường có hệ thống thu gom xử lý rác, 35% trường chưa có hệ thống thoát nước theo quy định. 40% trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa bảo đảm vệ sinh. 

 

Ông Bá Văn Bẩm - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Toàn huyện có 54 trường học, chỉ có cấp THCS là có cán bộ chuyên trách y tế, còn mầm non và tiểu học thì chưa. Trường THCS Phước Vinh, huyện Ninh Phước tuy có nhân viên y tế chuyên trách, nhưng phòng y tế của trường chỉ được ngăn ra bằng một tấm vách cũ, 2 chiếc giường xếp, một cái bàn và 1 tủ thuốc nhỏ. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, khi học sinh gặp vấn đề về sức khỏe, nhà trường không khỏi bối rối và phải nhờ cán bộ y tế của Trạm Y tế xã tới sơ cứu cho các em. 

 

Một trường THCS ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), nằm trong đồng sâu, mùa nước nổi muốn đến nơi phải đi bằng xuồng. Hiện điểm trường này chưa có phòng y tế và cũng không có cán bộ y tế học đường. Mỗi khi có công việc liên quan đến "y tế” thì các thầy, cô giáo nơi đây đều phải "kiêm nhiệm”. Khi trái gió trở trời HS đau bụng, đau đầu hay nóng sốt chỉ biết thoa dầu, cạo gió hay cho uống thuốc giảm đau, hạ sốt. Nếu không ổn thì thầy cô tức tốc chở HS ra trạm y tế, nơi cách điểm trường hơn 7km đường xuồng. 

 

Ngay tại Hà Nội, đến nay mặc dù mạng lưới y tế học đường phủ rộng (2.498 trường học có cán bộ y tế), đạt 98%, song vẫn còn 51 trường chưa có cán bộ y tế và số trường có phòng y tế theo quy định rộng trên 12m2 mới đạt 63%. Tình trạng nhà vệ sinh cũ hỏng, bẩn thỉu, thiếu nước, xà phòng và giấy vệ sinh không phải là chuyện hiếm thấy ở cả trên địa bàn các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. 

 

Gỡ khó

 

Được biết cuối năm 2012, Dự án Y tế học đường của Cục Y tế dự phòng đã triển khai, tập trung ưu tiên cho những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, kiểm soát và hạn chế một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tật học đường phổ biến hiện nay như: tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị...), cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán... Dự án đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi ở học sinh, để các em có thể phát triển toàn diện thể chất và tinh thần. Đến nay Dự án này đã triển khai hoạt động nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện trên phạm vi toàn quốc; Hỗ trợ trang thiết bị kiểm tra yếu tố vệ sinh trường học ở 14 tỉnh có huyện nghèo theo quy định của Chính phủ; Điều tra sơ bộ hiện trạng tỷ lệ học sinh mắc tật cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng và thực hành hành vi vệ sinh cá nhân và nhân trắc của học sinh...; Xây dựng mô hình điểm phòng chống bệnh tật học đường ở 16 tỉnh, thành đại diện 8 vùng sinh thái. Riêng ngành Mắt Việt Nam đã cùng các tổ chức quốc tế phối hợp với ngành giáo dục triển khai nhiều hoạt động can thiệp phòng chống các tật khúc xạ tại trường học ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Nguồn daidoanket.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày