Thứ 4, 15/01/2025, 22:57[GMT+7]

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em

Thứ 5, 14/04/2022 | 10:10:03
4,720 lượt xem
Gánh nặng học tập, những thay đổi về điều kiện, môi trường sống, dịch Covid-19... đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ. Nếu không có hướng giải tỏa, can thiệp kịp thời có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái rối loạn về tâm lý, có hành động tiêu cực dẫn đến những cái kết đau thương.

Bệnh nhân là học sinh điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình.

Trong báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tháng 10/2021: Ước tính có khoảng 13% thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi sống chung với chứng rối loạn tâm thần được chẩn đoán. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ước tính, mỗi năm có gần 46.000 trẻ em và trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 10 - 19 tự kết liễu cuộc đời mình. 

Tại Thái Bình, qua thống kê của Bệnh viện Tâm thần Thái Bình, riêng năm 2021, tỷ lệ trẻ đến khám chữa bệnh, tư vấn tại Bệnh viện chuyên khoa về tâm thần đã tăng hơn 1,2% so với những năm trước, trong đó có hơn 140 cháu phải nhập viện điều trị nội trú, cao gấp đôi so với năm 2020.

Bác sĩ Phùng Thị Minh Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thái Bình cho biết: Theo WHO, sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của trẻ em. Nhiều hoạt động, thói quen bị thay đổi từ việc học hành, thể thao đến vui chơi, giải trí, giao tiếp, kết nối xã hội. Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu nhận biết các bệnh lý tâm thần là trẻ có các biểu hiện giống như suy nhược cơ thể, mất ngủ hoặc ngủ kém. Trẻ có thể kêu đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, kém ăn, gầy sút cân. Ở các giai đoạn tiếp theo, trẻ có thể lơ là học tập, suy giảm kết quả rõ rệt, chán học, từ chối đến trường, có biểu hiện tính cách khác, chống đối bố mẹ, thầy cô giáo, thích ở một mình, tự ti, ít nói, mặt trầm buồn, không muốn tiếp xúc với người xung quanh. Đó là các dấu hiệu ở thể trầm cảm. Ở thể khác, trẻ có thể nói nhiều, hưng phấn khác thường, tăng động, có những cơn xung động về cảm xúc, nặng hơn là kích động, vận động, đập phá, đánh bạn bè, người thân và có các hành vi khác làm tổn hại, hủy hoại bản thân; gây nguy hiểm tới cả những người xung quanh.

Có nhiều nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần ở trẻ, trong đó có 4 nhóm nguyên nhân chính như: yếu tố gen; cấu trúc não bộ; chất dẫn truyền thần kinh; tâm lý xã hội, áp lực cuộc sống gia đình. 

Bác sĩ Phùng Thị Minh Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thái Bình cho biết thêm: Trẻ nguy cơ hoặc mắc các bệnh về rối loạn tâm thần nếu không được gia đình phát hiện đưa đến chuyên khoa tâm thần điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Khi triệu chứng khó phát hiện hoặc triệu chứng rõ mà gia đình không quan tâm, chần chừ, không đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần sẽ bỏ qua giai đoạn vàng điều trị. Bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng hơn, mất cơ hội điều trị tốt. Khi sang giai đoạn nặng có thể trở thành bệnh mạn tính, điều trị đáp ứng với thuốc chậm hơn, việc học tập không có hiệu quả, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, khi không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ phải chịu đựng tình trạng bệnh lý trong cơ thể, cuộc sống trở nên tiêu cực.

Trẻ em là tương lai đất nước, chăm sóc bảo vệ trẻ em không chỉ ở gia đình, nhà trường mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Ở độ tuổi nào, trẻ cũng cần được quan tâm, chăm sóc đúng cách với những phương pháp nuôi dạy khoa học để các con có sức khỏe thể chất và tinh thần. Khi có sức khỏe thể chất, tinh thần vững, trẻ sẽ vững vàng vượt qua những rào cản, áp lực trong cuộc sống. Gia đình và nhà trường, xã hội phải kết hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ; tạo cho trẻ một môi trường sống lành mạnh, an toàn, vui tươi, không nên tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ đang ở trong độ tuổi vị thành niên, bởi đây là lứa tuổi rất dễ bị kích động. Hãy dành thời gian lắng nghe, chia sẻ và kết nối với trẻ. 

Sự đồng hành của cha mẹ, gia đình và nhà trường sẽ giúp phát hiện sớm những sang chấn về mặt sức khỏe tâm thần, từ đó có biện pháp kịp thời giúp các em có một đời sống tinh thần khỏe mạnh. Khi trẻ có một trong những dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được tư vấn, hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày