Chủ nhật, 25/05/2025, 16:21[GMT+7]

Bệnh “trẻ” ra, người làm già đi...

Thứ 3, 12/03/2013 | 08:07:05
1,081 lượt xem
Số người mắc lao, tỷ lệ lao tái phát, lao kháng thuốc tăng, tỷ lệ điều trị khỏi giảm..., bệnh lao đang quay lại. Tuy nhiên, trái ngược với sự “trẻ” lại của bệnh lao, đội ngũ cán bộ chuyên ngành lao ngày càng thiếu vắng bởi không tuyển được bác sỹ mới. Bệnh “trẻ” ra mà người làm lao thì ngày càng già đi... Đó là thực tế buồn của công tác phòng chống lao hiện nay.

Thanh niên tình nguyện Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư khám, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ảnh: Ngọc Linh

 

Bệnh lao đang “trẻ” lại

 

Theo đánh giá của ngành y tế, mặc dù dịch tễ lao giảm, song tổng số người mắc lao có xu hướng tăng. So sánh giữa hai giai đoạn 2004 - 2007 và 2008 - 2011 có thể thấy rõ điều đó. Nếu như giai đoạn 2004-2007, toàn tỉnh phát hiện, điều trị 6.298 bệnh nhân lao các thể, giai đoạn 2008-2011 số bệnh nhân lao được phát hiện là 6.289 người. Mặc dù số bệnh nhân lao phổi AFB dương tính giảm, song số bệnh nhân lao phổi AFB âm tính và bệnh nhân lao ngoài phổi, lao tái phát tăng mạnh. Giai đoạn 2004-2007, toàn tỉnh có 1.717 bệnh nhân lao phổi AFB âm tính, giai đoạn 2008-2011 số bệnh nhân này tăng lên 2.015. Giai đoạn 2004 có 966 bệnh nhân lao ngoài phổi, giai đoạn 2008 - 2011 tăng lên 1.319 người. Số bệnh nhân lao tái phát tăng lên giữa hai giai đoạn này từ 278 lên 372 người. Riêng năm 2012, toàn tỉnh phát hiện 1.710 bệnh nhân lao mới, trong đó có 950 bệnh nhân lao AFB dương tính. Cả hai số liệu này đều tăng so với trung bình các năm trước.

 

Bệnh lao đang có xu hướng quay lại, đó là đánh giá của ngành chuyên môn. Tại sao có tình trạng này? Theo phân tích, sự tác động của đại dịch HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân gia tăng số bệnh nhân lao. Cộng với đó, do việc người mắc lao không được phát hiện sớm, tự ý dùng thuốc dẫn đến tỷ lệ lao “ẩn”, lao âm tính tăng cao. Cũng bởi tình trạng sử dụng thuốc không theo hướng dẫn dẫn đến tình trạng kháng thuốc ở bệnh nhân lao. Trong khi số người mắc lao tăng, số điều trị lao khỏi lại giảm. Nếu trong giai đoạn 2004-2007, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 93,6%; giai đoạn 2008-2011, tỷ lệ điều trị khỏi chỉ đạt 88,5%.

 

Đội ngũ làm lao già đi

 

Trong khi bệnh lao đang “trẻ” lại thì người làm lao lại ngày càng già đi. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi cho biết: đã từ lâu, công tác phòng chống lao phải đối mặt với sự thiếu hụt về nguồn nhân lực ở cả 3 tuyến: tỉnh, huyện và xã. Bệnh viện Lao và bệnh phổi nhiều năm nay làm việc trong tình trạng thiếu bác sỹ. Với 20 bác sỹ đang làm việc, 50% số bác sỹ này cũng gần đến tuổi nghỉ hưu. Hiện tại, Bệnh viện có nhu cầu tuyển dụng 10 bác sỹ, song nhiều năm nay không có bác sỹ mới dự tuyển.

 

Tại tuyến huyện, xã, vấn đề nhân lực phòng chống lao còn khó khăn hơn. Bác sỹ Vũ Thị Thanh, Phó giám đốc Trung tâm y tế Kiến Xương cho biết: Tổ chống lao của huyện được sắp xếp và kiện toàn lại từ năm 2012 theo mô hình mới bao gồm cán bộ của Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện; trong đó bác sỹ Trung tâm Y tế làm nhiệm vụ quản lý, giám sát, cán bộ bệnh viện thực hiện nhiệm vụ điều trị. Tuy nhiên, cán bộ của tổ chống lao là những người làm việc kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian dành cho công tác này nên sự phối hợp giữa hai bên chưa thực sự chặt chẽ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế phụ trách lao tuyến xã không ổn định, chưa qua đào tạo, tập huấn chuyên ngành lao; trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế. Đây cũng là khó khăn chung mà các huyện khác đang đối mặt. Chính vì vậy, hiệu quả hoạt động của tổ chống lao chưa cao. Đến nay, công tác phát hiện lao chủ yếu vẫn dựa vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Có tới hơn 70% bệnh nhân lao phải đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi mới được chẩn đoán mắc lao.

 

Không chỉ thiếu hụt nhân lực, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống lao cũng không được tăng cường. Chủ yếu phụ thuộc vào kinh phí của chương trình chống lao quốc gia và sự hỗ trợ của các dự án quốc tế, không có kinh phí từ tỉnh đầu tư cho công tác này, thêm nữa thời gian gần đây nguồn hỗ trợ từ các dự án quốc tế cắt giảm mạnh nên nguồn tài chính hoạt động cho phòng chống lao thực sự khó khăn. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sinh cũng cho biết: trong khi các tỉnh lân cận đều đã đầu tư trang thiết bị triển khai kỹ thuật nuôi cấy xét nghiệm tìm vi khuẩn lao thì hiện Thái Bình vẫn chẩn đoán lao qua soi đờm, một kỹ thuật thông thường và đơn giản nhất trong chẩn đoán lao hiện nay bởi chưa có kinh phí đầu tư mua máy xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn lao. Để xác định lao kháng thuốc, hiện Bệnh viện vẫn phải gửi mẫu lên Bệnh viện Trung ương để chẩn đoán xác định. Trong điều trị Lao, việc phát triển kỹ thuật điều trị phục hồi chức năng hô hấp còn rất hạn chế.

 

Thoát vòng luẩn quẩn

 

Sự thiếu hụt nhân lực, kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị trở thành vòng tròn luẩn quẩn trong công tác phòng chống lao hiện nay. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi, mặc dù rất muốn cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, song không có cán bộ làm việc nên việc này trở thành việc khó. Cán bộ không được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn tất nhiên vì thế cũng khó triển khai các kỹ thuật mới. Thiếu cán bộ, hoạt động giám sát, phát hiện sớm bị hạn chế, hiệu quả điều trị lao giảm. Số lượng bệnh nhân ẩn trong cộng đồng cao, điều này dẫn đến tăng nguồn lây bệnh và tăng số người mắc lao. Tăng bệnh nhân lao, gánh nặng về nguồn lực phục vụ công tác phòng chống lao tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, trong tình trạng đội ngũ cán bộ làm lao đang già đi, đội ngũ cán bộ kế cận chưa được bổ sung, nếu vẫn tình trạng này, chỉ vài năm nữa, khi hàng loạt bác sỹ nghỉ hưu, đội ngũ cán bộ chuyên ngành lao sẽ rơi vào thiếu hụt nghiêm trọng. Đây là thách thức lớn đối với công tác phòng chống lao và thách thức này được cảnh báo là ngày càng căng thẳng.

 

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn trong phòng chống lao hiện nay không phải là việc dễ, tuy nhiên cũng không phải là việc không thể không làm được, đó là nhận định của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống lao. Hãy đặt công tác phòng chống lao trở lại đúng vị trí của nó, tiếp tục gióng chuông về đẩy mạnh phòng chống lao trong cộng đồng và kịp thời có chế độ thu hút cán bộ cho chuyên ngành lao, đầu tư phù hợp về nguồn nhân lực, vật lực cho công tác này chính là giải pháp cần thiết trong phòng chống lao hiện nay.

Trần Thu Hương

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày