Thứ 6, 29/11/2024, 09:57[GMT+7]

Kiên quyết xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm

Thứ 5, 19/05/2022 | 08:34:56
1,198 lượt xem
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã duy trì, thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP). Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả việc bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên y tế kiểm tra việc vệ sinh dụng cụ đựng thực phẩm.

Từ năm 2020 đến đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có lúc phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Song công tác kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP vẫn được duy trì, thực hiện thường xuyên, nhất là dịp lễ, tết, tháng hành động vì ATTP. Cụ thể, trong tháng hành động vì ATTP năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, đoàn kiểm tra chuyên ngành của ngành y tế đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP và việc chấp hành các quy định về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp. 

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Ngành y tế thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất khi có phản ánh của người dân để phát hiện và xử lý các vi phạm, kiên quyết xử lý và công khai các vi phạm. Năm 2021, đoàn kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý vi phạm với số tiền gần 100 triệu đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2022, đoàn cũng đã kiểm tra, xử lý trên 10 cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bếp ăn tập thể, nhà hàng dịch vụ ăn uống với số tiền gần 100 triệu đồng.

Nhiều năm liền Thái Bình không xảy ra các vụ ngộ độc đông người, nhất là ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, trường học, song qua kiểm tra vẫn phát hiện một số vi phạm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. 

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm: Qua kiểm tra tại các cơ sở do ngành y tế quản lý cho thấy tại một số cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ lẻ việc đầu tư cơ sở, trang thiết bị còn hạn chế, việc bảo đảm vệ sinh chưa đạt yêu cầu, kiểm nghiệm mẫu thực phẩm chưa đạt yêu cầu theo như hồ sơ công bố sản phẩm hoặc tự công bố sản phẩm. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa thực hiện đầy đủ quy trình kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn, còn có côn trùng xâm nhập ở khu vực chế biến...

Bà Bùi Thị Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP ở lĩnh vực nông nghiệp cũng đã ghi nhận các vi phạm về sử dụng chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép ở một số cơ sở chế biến giò, chả;  sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và bảo quản thực phẩm không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Những vi phạm này thường xảy ra ở các cơ sở nhỏ lẻ. Cùng với ngành y tế, nông nghiệp, ngành công thương cũng đã kiểm tra, xử phạt hàng chục vụ vi phạm hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tiêu hủy hàng trăm sản phẩm nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm ATTP trên địa bàn tỉnh. Các đợt kiểm tra, thanh tra không chỉ góp phần chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm mà còn là dịp để tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện đúng các quy định về ATTP.

Số vụ việc vi phạm về ATTP vẫn được phát hiện qua các đợt kiểm tra, vì vậy nỗi lo về ATTP của người dân vẫn luôn thường trực. Vấn đề mấu chốt hiện nay là những người sản xuất, kinh doanh cần nêu cao trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng đồng thời các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP, để ATTP không còn là nỗi lo thường trực trong đời sống.

Kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP tại huyện Đông Hưng.

Hoàng Lanh