Thứ 6, 29/11/2024, 01:45[GMT+7]

Gia tăng trẻ nhập viện điều trị tay chân miệng

Thứ 2, 06/06/2022 | 08:35:45
780 lượt xem
Gần đây, tại nhiều cơ sở y tế có khoa nhi, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tay chân miệng tăng. Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, chỉ trong 2 tuần gần đây đã có gần 140 bệnh nhi nhập viện điều trị, tăng cao so với những tháng trước; đáng lưu ý có trường hợp đã biến chứng viêm não, viêm màng não. Theo các bác sĩ, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, có nhiều biến chứng nguy hiểm và biến chứng nhanh nếu không được điều trị kịp thời.

Cháu Đào Đức Tuấn Kiệt, 29 tháng tuổi, xã Vũ Quý (Kiến Xương) đến khám tại Bệnh viện Nhi Thái Bình trong tình trạng sốt, mặt mũi tái nhợt, kém ăn. Sau khi khám, cháu được chẩn đoán bị tay chân miệng cấp độ 2, biến chứng viêm màng não. Chị Tăng Thị Phương, mẹ bệnh nhi cho biết: Cháu ở nhà sốt, không ăn uống được. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu có dấu hiệu chuyển độ. Các bác sĩ đã tiến hành chọc não tủy, xét nghiệm, chẩn đoán cháu bị biến chứng viêm màng não do tay chân miệng. Đến nay cháu đã điều trị được 10 ngày, bệnh tiến triển tốt, đã ở gần mức bình thường. Gia đình xin cảm ơn các bác sĩ đã ngày đêm tận tụy chăm sóc, điều trị cho cháu.

Theo thống kê của Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình, nếu như những tháng đầu năm 2022 số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng điều trị tại Khoa chỉ có vài ca thì từ ngày 16/5 - 2/6 Khoa đã tiếp nhận gần 140 bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày có 10 - 15 bệnh nhân nhập viện, cao điểm có ngày 18 bệnh nhân. Các bệnh nhân nhập viện điều trị có độ tuổi từ 1 - 5, trong đó chủ yếu là bệnh nhân dưới 3 tuổi.

Bác sĩ Vũ Thị Phương, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình chia sẻ: Bệnh nhân tay chân miệng có các biểu hiện như sốt, loét miệng, biếng ăn, có thể nổi mụn ở lòng bàn tay, chân. Đây là các biểu hiện dễ nhận biết. Ngoài ra, trẻ có thể mắc bệnh rối loạn về tiêu hóa. Bệnh do virus đường ruột gây ra, chủ yếu gồm 2 nhóm virus là Enterovirus và Coxsackie. Cụ thể, nhóm virus Enterovirus có khả năng gây biến chứng cao. Một số biến chứng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Những biến chứng này có thể gây nguy cơ nặng với trẻ, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Số lượng bệnh nhân tăng, diễn biến bệnh rất nhanh, dễ chuyển nặng trong 3 - 5 ngày tính từ lúc phát bệnh. Tại Khoa Truyền nhiễm đã ghi nhận một số bệnh nhân tay chân miệng biến chứng viêm não, viêm màng não. Bác sĩ Vũ Thị Phương khuyến cáo: Để tránh các nguy cơ biến chứng khi không phát hiện ra bệnh hoặc phát hiện đã muộn, người chăm sóc trẻ cần lưu ý biểu hiện dễ nhận biết như viêm loét miệng, nổi mụn ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể tập trung ở mông, đùi, quấy khóc. 

Bác sĩ Vũ Thị Phương, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình kiểm tra loét miệng ở trẻ mắc tay chân miệng.

Khi đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế. Các bác sĩ sẽ phân loại mức độ bệnh để có các biện pháp xử lý sớm, tránh các biến chứng nặng. Mùa hè, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh cho trẻ, vệ sinh tay bằng xà phòng. Người chăm trẻ cũng cần vệ sinh tay của chính mình bởi người lớn có thể mang mầm bệnh, không biểu hiện bệnh rồi lây sang trẻ. Về dinh dưỡng, trẻ cần được bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, duy trì các chế độ ăn phù hợp, ăn chín, uống chín, tránh tình trạng sử dụng nhiều đồ ăn nhanh dễ bị rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh đồ chơi, tránh cho trẻ chơi tập trung khi nghi ngờ có trẻ mắc bệnh vì bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nốt phỏng, dịch tiết ở niêm mạc họng.

Mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, ngoài dịch tay chân miệng, phụ huynh cần lưu ý bệnh viêm não, nhất là viêm não Nhật Bản. Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, có biểu hiện chậm chạp, li bì, co giật, gia đình cần theo dõi sát, phát hiện sớm, đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.


Hoàng Lanh