Chủ nhật, 19/01/2025, 02:14[GMT+7]

Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng kéo dài

Thứ 5, 30/06/2022 | 08:59:35
1,038 lượt xem
Mùa hè nhiệt độ cao, thời tiết oi bức, cơ thể mệt mỏi khiến nhiều người, nhất là người cao tuổi, trẻ em, người thường xuyên làm việc ngoài trời dễ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, suy nhược cơ thể. Dù số lượng bệnh nhân không tăng đột biến so với những năm trước song tại các cơ sở y tế trong tỉnh đã ghi nhận nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị do nắng nóng kéo dài.

Trẻ mắc bệnh về đường tiêu hóa điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ, những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh như suy nhược cơ thể, tăng huyết áp, thiếu máu não, hạ canxi... tăng so với thời điểm trước. Bác sĩ Nguyễn Hoàng, phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ cho biết: Đợt nắng nóng gần đây Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị, trong đó đáng lưu ý có các trường hợp tăng huyết áp, đột quỵ cấp. Riêng tuần qua, Khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc đã tiếp nhận trên 10 bệnh nhân nhập viện điều trị có liên quan đến nắng nóng. Bệnh nhân nhập viện điều trị chủ yếu ở độ tuổi từ 30 - 60. Những người dễ bị mắc một số bệnh do nắng nóng như thợ xây, phụ hồ, người bán hàng rong... Đây là những người thường xuyên phải làm việc dưới thời tiết nắng nóng trong thời gian dài, thiếu trang phục bảo hộ. Bên cạnh đó, người làm việc trong môi trường lưu thông khí kém cũng dễ mắc bệnh do nắng nóng. Trong thời gian người dân đang thu hoạch lúa, làm việc liên tục ngoài trời ở nhiệt độ cao, công việc vất vả, người dân rất dễ bị sốc nhiệt, suy nhược cơ thể. Ở người cao tuổi, hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm cộng với sự phát triển mạnh của vi khuẩn, virus cũng rất dễ mắc các bệnh về rối loạn tiêu hóa, tim mạch, đột quỵ, hô hấp, xương khớp, bệnh ngoài da... trong mùa hè.

Không chỉ người cao tuổi, người thường xuyên làm việc ngoài trời, trẻ em cũng là đối tượng dễ mắc bệnh khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, những ngày qua số lượng bệnh nhi đến khám một số bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa... tăng. Riêng ở Khoa Tiêu hóa, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 15 bệnh nhi nhập viện điều trị. Bác sĩ Vũ Thị Thơm, phụ trách Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Bệnh nhân chủ yếu mắc tiêu chảy, tiêu chảy kèm theo viêm phổi, có trường hợp ngộ độc thức ăn. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh, trong đó nắng nóng khiến thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn. Khi trẻ ăn thực phẩm không bảo đảm an toàn dễ bị ngộ độc, tiêu chảy. Do đó, chúng tôi thường xuyên khuyến cáo các bậc phụ huynh chủ động phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ bằng việc uống vắc-xin; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu lựa chọn nguyên liệu trước, trong và sau khi chế biến, cho trẻ ăn chín, uống chín. Bên cạnh đó, phải bảo đảm vệ sinh thường xuyên cho trẻ như: rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ quá cao...

Những đợt nắng nóng còn kéo dài, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo cần tránh cho người già và trẻ nhỏ ra ngoài lúc cao điểm nắng nóng. Người lao động hạn chế làm việc quá sức ở ngoài trời trong nhiều giờ liền. Nếu bắt buộc phải ra ngoài làm việc khi trời nắng nóng phải có trang phục bảo hộ, bù nước điện giải. Chú trọng bảo đảm dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn; vệ sinh cơ thể đúng cách; uống nhiều nước hơn bình thường để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, cần để nhiệt độ điều hòa phù hợp, tránh chênh lệch nhiều với nhiệt độ bên ngoài. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể khó thích nghi dễ gây tình trạng sốc nhiệt, cảm. Khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường hoặc say nắng cần đến các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

Người cao tuổi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày