Thứ 4, 27/11/2024, 22:37[GMT+7]

Tổn hại sức khỏe khi lạm dụng rượu

Chủ nhật, 21/08/2022 | 21:01:16
663 lượt xem
Uống rượu trong thời gian dài, rượu không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến ngộ độc, rối loạn tâm thần. Trên thực tế các trường hợp bị ngộ độc, rối loạn tâm thần do rượu không phải hiếm gặp. Tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình đã tiếp nhận điều trị rối loạn tâm thần cho nhiều bệnh nhân do sử dụng rượu thường xuyên trong thời gian dài.

Bệnh nhân không kiểm soát được hành vi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình.

Bệnh nhân L.V.N (Vũ Thư), sinh năm 1962 nhập viện trong tình trạng co giật, mệt mỏi, ăn ngủ kém. Tại Khoa Nghiện chất, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình, bệnh nhân được chẩn đoán ở trạng thái cai với mê sảng, co giật do sử dụng rượu. Người nhà bệnh nhân chia sẻ: Ở nhà bố tôi uống rượu hàng ngày. Uống đã thành thói quen mấy chục năm nay và không kiểm soát được. Gia đình có khuyên nhưng vẫn chưa từ bỏ được. Khi uống rượu, bố hay cáu gắt với mẹ nên không khí gia đình luôn căng thẳng. Mấy ngày trước bị co giật ông đã phải cấp cứu, hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồi, phụ trách Khoa Nghiện chất, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình cho biết: Tình trạng bệnh nhân liên quan đến rượu điều trị tại Khoa rất đa dạng, nặng nhất là trạng thái sảng, co giật. Bệnh nhân không ý thức được thời gian, không gian, không xác định được người thân, trong tâm thức chỉ còn nhớ được một vài thông tin. Bên cạnh đó, còn có các trường hợp rối loạn tâm thần, hoang tưởng, ghen tuông vô cớ, co giật, run chân tay, cáu gắt, đập phá, vã mồ hôi... Các cơn co giật có thể từ 3 - 5 phút. Không chỉ rối loạn tâm thần, bệnh nhân nghiện rượu thường còn kèm theo nhiều bệnh lý nội khoa khác như: men gan cao, tiểu đường, hội chứng não gan, tim mạch, rối loạn chuyển hóa...

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Thái Bình, tỷ lệ bệnh nhân liên quan đến rượu đến khám chiếm 5,3% trong tổng số bệnh nhân khám tại Bệnh viện năm 2021; 6 tháng đầu năm 2022 là 5,4%. Tỷ lệ bệnh nhân liên quan đến rượu nhập viện điều trị cũng tăng. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ bệnh nhân nặng liên quan đến rượu phải nhập viện điều trị chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện; 6 tháng đầu năm 2022 tỷ lệ này là 20,8%. Hiện Bệnh viện đang có gần 100 bệnh nhân điều trị liên quan đến rượu. Tùy theo tình trạng bệnh, các bệnh nhân được điều trị ở 4 khoa gồm: Khoa Nghiện chất, Khoa Nam, Khoa Nữ, Khoa Suy nhược thần kinh.

Lạm dụng rượu, đồ uống có cồn có thể gây nhiễm độc cấp hoặc mãn tính. Cụ thể, uống rượu không rõ nguồn gốc; rượu tự pha chế, tự ngâm với lá, rễ cây, động vật... không rõ thành phần, xuất xứ, công dụng; uống rượu kèm với các loại nước có gas; uống rượu khi đang sử dụng một số loại thuốc tây có thể bị ngộ độc rượu hay nhiễm độc cấp. Khi ngộ độc ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, có thể hôn mê, bán mê, trụy tim mạch phải cấp cứu, hồi sức tích cực. Với trường hợp lạm dụng, uống rượu nhiều năm hay còn gọi là nhiễm độc mãn tính có thể tổn thương não với các cơn kích động dễ cáu gắt, làm tổn thương bản thân và những người xung quanh, loạn thần với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Nếu cơn kích động mạnh có thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đe dọa tính mạng những người xung quanh.

Bác sĩ Phùng Thị Minh Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thái Bình khuyến cáo: Uống rượu của người dân đã có từ lâu đời nên khó từ bỏ ngay song uống thế nào, uống bao nhiêu để bảo đảm sức khỏe, giữ tỉnh táo, làm chủ được hành vi, cảm xúc không để ảnh hưởng đến những người xung quanh là điều cần lưu ý. Nếu trong gia đình có người lạm dụng rượu, uống thường xuyên không kiểm soát với các biểu hiện như: suy nhược thần kinh, ăn, ngủ kém, gầy, sút cân, mệt mỏi, run tay, run chân, nóng nảy... cần đưa ngay đến cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để khám, điều trị. Tại đây sẽ có các phác đồ cai rượu, biện pháp tâm lý giúp bệnh nhân bỏ rượu. Điều trị nghiện rượu cần quá trình lâu dài vì thế người thân phải thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, hướng họ đến các hoạt động lành mạnh, tích cực như: tập luyện thể thao, đi chơi ở không gian thoáng đãng... Đây là giải pháp quan trọng giúp người nghiện rượu cai rượu, dần bỏ được thói quen uống rượu hàng ngày trong thời gian dài. Bên cạnh đó, người dân không nên uống rượu khi đang điều trị bệnh, tự ý pha rượu với các đồ uống khác. Điều này có thể làm tăng độc tính của rượu dẫn đến ngộ độc cấp tính, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

 Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình do uống rượu thường xuyên, không kiểm soát.



Hoàng Lanh