Thứ 6, 17/01/2025, 00:09[GMT+7]

Xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc Cần sự đồng lòng, hưởng ứng từ mỗi người dân

Thứ 7, 10/09/2022 | 08:24:07
2,854 lượt xem
Việc hút thuốc tại một số nơi công cộng, trong đó có cơ sở y tế đã có quy định cấm. Các đơn vị y tế trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xây dựng môi trường không khói thuốc, song thực tế vẫn còn nhiều người hút thuốc lá tại các cơ sở y tế và chưa bị xử phạt.

Tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Vô tư hút thuốc lá trong bệnh viện
Là bệnh viện lớn, mỗi ngày có hàng nghìn bệnh nhân khám, điều trị, dù có rất nhiều biển báo cấm hút thuốc, cán bộ, nhân viên y tế cũng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, thế nhưng từ ghế đá đến gốc cây lớn trong khu vực sân Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều có người hút thuốc lá. Hầu hết người hút thuốc là nam giới ở mọi lứa tuổi. Có người còn giấu điếu thuốc lào vào khu vực cây cảnh rồi thỉnh thoảng lấy ra hút. Việc hút thuốc thường xuyên tái diễn bởi lượng người thăm, chăm sóc bệnh nhân hàng ngày đông, nhắc được người này hôm nay, mai người khác lại hút. Nhiều người vô tư hút, nhả khói thuốc làm ảnh hưởng, gây bức xúc tới những người xung quanh.

Ông Phạm Ngọc Phương, xã Hồng Phong (Vũ Thư) là người chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Qua 1 tuần ở đây, tôi thấy công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Bệnh viện rất tốt. Ở các phòng điều trị, hành lang không có người hút thuốc. Tuy nhiên, ở khu vực sân, căng tin vẫn còn có nhiều người hút thuốc. Nhiều người hút xong còn vứt đầu lọc thuốc lá xuống đất gây phản cảm. Mọi người đều biết việc hút thuốc có hại cho sức khỏe. Vì thế, tôi mong mọi người ứng xử văn minh hơn, không hút thuốc gây hại cho sức khỏe của chính mình và ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Bệnh viện Phổi Thái Bình là nơi có nhiều người phải nhập viện điều trị các bệnh về lao, phổi, trong đó có ảnh hưởng của việc hút thuốc lá, thuốc lào. Tuy nhiên, hình ảnh người đi chăm sóc người bệnh hút thuốc cũng không phải hiếm gặp. Dù biết tác hại, hậu quả và có người thân đang phải chăm sóc nhưng một số người vẫn cố tình hút thuốc trong khuôn viên Bệnh viện.  

Không chỉ riêng các bệnh viện tuyến tỉnh, ở các bệnh viện tuyến huyện, các trạm y tế xã, phường, thị trấn, việc hút thuốc lá, thuốc lào vẫn diễn ra. Các biện pháp xử lý mới dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở và chưa có nhiều người bị xử phạt. Để xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc, các cơ sở y tế đều đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá; giao các khoa, phòng phân công cán bộ giám sát, theo dõi việc chấp hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ở cán bộ, nhân viên; đồng thời đưa các nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá vào nội dung thi đua, bình xét cuối năm; tổ chức treo, dán pa nô, áp phích, tranh ảnh để tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tại các khoa, phòng và những nơi có đông người qua lại... Vì thế, nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân đã có sự chuyển biến, số lượng người hút thuốc cũng giảm hơn. Ở khu vực buồng bệnh, khám chữa bệnh không ai hút thuốc. Thế nhưng, vẫn còn nhiều người hút thuốc ở các khu vực khác, nhất là người chăm sóc bệnh nhân và người đến thăm bệnh nhân.

Luật có nhưng khó phạt
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá bao gồm: cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, phương tiện công cộng... Người hút thuốc lá ở những địa điểm cấm hút thuốc lá có thể bị xử phạt đến 500.000 đồng. Trong khói thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó có gần 70 chất gây ung thư. Thuốc lá gây ra nhiều bệnh về phổi, tim mạch, ung thư... Do đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời rất hợp lòng dân. Song trên thực tế, luật có nhưng lại khó phạt.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Với cán bộ, nhân viên y tế chúng tôi dễ dàng kiểm soát. Song với người bệnh và người nhà bệnh nhân vẫn còn những khó khăn, bất cập trong việc bảo đảm môi trường không khói thuốc. Chúng tôi chỉ có thể áp dụng với người bệnh ở trong buồng bệnh còn ở nơi khác như: sân, ghế đá trong khuôn viên bệnh viện việc triển khai phạt gặp khó khăn. Biện pháp chủ yếu mới dừng ở tuyên truyền, giáo dục, động viên bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, còn chế tài xử phạt chưa thực hiện được dù luật đã quy định.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Bệnh viện Phổi Thái Bình chia sẻ: Bệnh viện đã xây dựng chế tài xử phạt, đưa vào bình xét thi đua. Nếu vi phạm lần 1 là cảnh cáo, lần 2 sẽ đưa vào bình xét thi đua, trừ một phần tiền đời sống nên gần như cán bộ, nhân viên y tế không hút thuốc, chấp hành rất tốt việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Với bệnh nhân, hàng quý, Bệnh viện cũng tổ chức tuyên truyền lồng ghép qua hội nghị dinh dưỡng về tác hại của thuốc lá. Người bệnh đã mắc các bệnh liên quan đến phổi nên cũng ý thức được tình trạng bệnh của mình nên không hút. Tuy nhiên, người nhà, người đến thăm bệnh nhân vẫn hút dù không nhiều. Việc xử phạt khó khăn vì họ chỉ đến một lúc rồi về ngay, không biết là người nhà bệnh nhân nào; công tác giám sát người hút thuốc cũng hạn chế vì các bác sĩ, nhân viên y tế còn phải tập trung vào chuyên môn cứu chữa cho người bệnh.  

Phòng, chống tác hại của thuốc lá khó nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu có sự quyết tâm, đồng lòng từ mỗi người dân, mỗi gia đình và các ngành chức năng. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm hút thuốc lá tại cơ sở y tế nói riêng và một số nơi công cộng đã có trong quy định cấm hút thuốc lá nói chung.

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày