Thứ 4, 27/11/2024, 14:52[GMT+7]

Chủ động giám sát phòng bệnh đậu mùa khỉ

Thứ 4, 21/09/2022 | 08:07:13
983 lượt xem
Ngoài Covid-19, sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ làm tăng mối lo ngại về các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Dù đến nay, Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nhưng công tác phòng, chống bệnh vẫn được thực hiện với tinh thần sớm hơn một bước, cao hơn một mức.

Nhân viên y tế tuyên truyền các biện pháp phòng, chống đậu mùa khỉ cho người dân.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Xác định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập luôn thường trực bởi hiện nay nhiều quốc gia gần với Việt Nam đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, cùng với các tỉnh, thành phố, ngành y tế Thái Bình đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế chủ động phòng, chống dịch bệnh. Mới đây nhất là văn bản triển khai thực hiện hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khám chữa bệnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp cách ly đối với các bệnh nghi ngờ, trường hợp bệnh; tổ chức chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn chuyên môn và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố điều tra dịch tễ, tăng cường giám sát tại cộng đồng, các cơ sở y tế phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ; phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, truy vết những trường hợp tiếp xúc gần; triển khai các hoạt động truyền thông về dịch bệnh đậu mùa khỉ, các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng.

Với số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị đông, Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng đã chủ động các biện pháp giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ. Bác sĩ Lê Thị Loan, Phòng Khám truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện cho biết: Khi bệnh nhân sốt, có mụn nước đến khám, chúng tôi thực hiện khai thác thông tin dịch tễ về việc có từng ở nước ngoài về không, nhất là các nước có nhiều ca mắc. Sau đó, kiểm tra một số triệu chứng: mụn nước, viêm hạch... Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành làm một số xét nghiệm để loại trừ. Đến nay, qua giám sát cũng chưa ghi nhận trường hợp nghi mắc.

Ngoài việc chủ động giám sát ở khu vực khám bệnh, Bệnh viện cũng đã bố trí cho cán bộ đi tập huấn, xây dựng phác đồ điều trị... Bác sĩ Phạm Văn Cải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng chia sẻ: Những thông tin mới về bệnh đậu mùa khỉ đều được Bệnh viện cập nhật và thông tin tới toàn thể cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, cử cán bộ đi tập huấn; đề nghị khoa truyền nhiễm xây dựng kế hoạch, phác đồ điều trị; tuyên truyền hướng dẫn phòng bệnh qua các cuộc họp hội đồng người bệnh, mạng xã hội... Xác định đây là dịch bệnh mới nổi nguy hiểm, Bệnh viện sẽ tiếp tục cập nhật, bám sát các văn bản chỉ đạo của ngành.

Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, với số lượng bệnh nhân đông, nhiều trẻ nhập viện với các triệu chứng sốt, nổi mụn nước... Dù bệnh đậu mùa khỉ ít gặp ở trẻ em nhưng tỷ lệ bệnh nặng, tổn thương các cơ quan, gây bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết các cơ quan nội tạng khác lại đáng lo ngại. Do đó, việc chủ động giám sát cũng được Bệnh viện triển khai tới các khoa, phòng. Bên cạnh việc khai thác tiền sử người bệnh đã từng đi, đến, ở vùng có dịch về, nếu có thêm các triệu chứng nghi ngờ sẽ thông báo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để làm các xét nghiệm. Hiện ngoài việc cử bác sĩ tham gia các lớp tập huấn do Bộ Y tế tổ chức, Bệnh viện cũng đã tập huấn, cập nhật phương pháp chẩn đoán, phác đồ điều trị cho cán bộ, nhân viên; tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Cùng với các đơn vị điều trị, hệ thống y tế dự phòng các tuyến cũng tăng cường các hoạt động giám sát. Là địa phương có cảng biển, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bố trí cán bộ đi tập huấn nhằm giám sát phát hiện, xử lý kịp thời khi có ca mắc, Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy đã chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các xã, thị trấn về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phối hợp với lực lượng biên phòng thực hiện giám sát, kiểm dịch y tế với thủy thủ trên các tàu từ vùng dịch trở về. Có biện pháp cách ly những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xét nghiệm, báo cáo kịp thời theo quy định. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường chất dinh dưỡng nâng cao sức khỏe.
Việt Nam đang phải đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Covid-19, sốt xuất huyết... Nếu không có các biện pháp chủ động, kịp thời, nguy cơ dịch chồng dịch là rất lớn. Do đó, sớm hơn một bước, cao hơn một mức trong phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ là giải pháp rất quan trọng mà mỗi cấp, ngành, địa phương cần thực hiện để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

Nhân viên y tế tuyên truyền các biện pháp phòng, chống đậu mùa khỉ cho người dân.

Hoàng Lanh