Thứ 4, 27/11/2024, 14:33[GMT+7]

Thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Cần những giải pháp mạnh

Thứ 5, 22/09/2022 | 08:13:45
770 lượt xem
Thuốc lá và những ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá tới sức khỏe cá nhân, kinh tế gia đình, môi trường sống là những điều đã được cảnh báo từ lâu nhưng trên thực tế số lượng người, đặc biệt là nam giới hút thuốc vẫn chiếm tỷ lệ cao. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) đã được triển khai nhiều năm song chuyển động trong thực hiện nhiệm vụ này tại các cấp, ngành, địa phương, đơn vị vẫn còn những hạn chế nhất định.

Giám sát hoạt động kinh doanh thuốc lá tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Thái Bình.

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, Ủy viên thư ký Ban Chỉ đạo PCTHCTL tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Theo nghiên cứu về tình hình hút thuốc lá tại Thái Bình vào năm 2015, số nam giới hút thuốc chiếm tỷ lệ 47,2% (tính trung bình cứ 2 người nam thì có 1 người hút thuốc); số nữ giới hút thuốc chiếm tỷ lệ 0,5%. Từ năm 2015, tỉnh được sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí từ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, nhiều hoạt động PCTHCTL đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như đào tạo, tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên tham gia công tác PCTHCTL; cung cấp bài tuyên truyền cho các cơ quan truyền thông, đài truyền thanh huyện, xã; tổ chức phát động, mít tinh, diễu hành về PCTHCTL; tổ chức hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề tại trường học, biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền, khiêu vũ thể thao không khói thuốc; kiểm tra, giám sát hàng năm về công tác PCTHCTL tại các khối y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nhà hàng và UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn...

Qua các hoạt động, mặc dù nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng đã được nâng cao, nhiều thói quen trong sử dụng thuốc lá đã có sự thay đổi tích cực (không còn tình trạng hút thuốc lá trong hội nghị, cơ bản giảm tình trạng hút thuốc tại các bệnh viện, trường học...) song việc giảm số người hút thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Sau gần 4 năm đẩy mạnh thực hiện các hoạt động PCTHCTL song tỷ lệ hút thuốc trong nam giới chỉ giảm được 1,9% (đến năm 2018, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới là 45,3%); tỷ lệ nữ giới hút thuốc chỉ giảm được 0,1% (đến năm 2018, tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 0,4%). 

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc giảm số người hút thuốc là do thuốc lá rẻ, dễ mua; tại một số cơ quan, địa phương, việc thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá còn mang tính hình thức, không ít địa phương chưa đưa nội dung hạn chế hoặc cấm hút thuốc tại lễ hội, đám cưới, đám tang vào hương ước, quy ước; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến hoạt động PCTHCTL; một số lãnh đạo còn hút thuốc lá nên chưa cương quyết thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, nhân lực làm công tác PCTHCTL từ Ban Chỉ đạo của tỉnh đến cơ sở, đoàn giám sát các hoạt động PCTHCTL và mạng lưới làm công tác PCTHCTL đều không chuyên, kiêm nhiệm, do vậy thời gian thực tế dành cho công tác này chưa đáp ứng thực tế yêu cầu. Hoạt động kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên do nhân lực mỏng nên hiệu quả thực hiện chưa cao. Hàng năm, ngành y tế thường xuyên cử cán bộ đi tập huấn về tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cơ quan đầu mối cũng đã tổ chức tập huấn cho mạng lưới y tế cơ sở trong toàn tỉnh, tuy nhiên hiện nay tại Thái Bình chưa có hệ thống tư vấn cai nghiện thuốc lá... Những hạn chế trên dẫn đến hoạt động PCTHCTL chưa đem lại hiệu quả thực sự, số lượng người hút thuốc lá chưa giảm nhiều.

Cũng theo nghiên cứu vào năm 2018 của ngành y tế về các nhóm, độ tuổi hút thuốc lá thì nhóm nông dân có tỷ lệ hút thuốc cao nhất với 60,4%. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp là một trong những tổ chức đang tham gia tích cực vào công tác PCTHCTL. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thái Thụy lý giải, việc khó giảm tỷ lệ nam nông dân hút thuốc là do nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng còn nhiều hạn chế. Do thói quen hút thuốc lá kéo dài, thuốc lá ảnh hưởng thầm lặng đến sức khỏe, kinh tế chứ không phải là sự ảnh hưởng ngay tức thì, nhìn thấy ngay nên nhiều người hút thuốc lá chưa có quyết tâm từ bỏ thuốc lá.

Cùng với các nguyên nhân được lý giải trên, nguyên nhân quan trọng, quyết định đến số lượng người hút thuốc lá chưa giảm mạnh là việc thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều hạn chế. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 và Nghị định số 117/NĐ-CP, ngày 28/9/2020 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các hành vi liên quan đến PCTHCTL đều có những quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân và đơn vị vi phạm rất cụ thể song trên thực tế, ngay tại một số địa điểm quy định cấm hút thuốc lá cả trong nhà và khuôn viên như cơ sở y tế, nơi học tập, vui chơi của trẻ em tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra khá phổ biến mà chưa bị xử phạt.

Để tăng hiệu quả và tính thực thi của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là vai trò người đứng đầu theo Điều 6 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Theo bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, các cấp, các ngành cần tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu về tác hại của thuốc lá, tự giác, chủ động thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong công tác kiểm tra, giám sát, mỗi cơ quan, đơn vị phải chủ động, tự giám sát các hành vi vi phạm Luật tại đơn vị mình; đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm các đơn vị, tổ chức vi phạm. Cần có những hành động cương quyết và mạnh mẽ hơn trong thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì mới hy vọng giảm mạnh được số người hút thuốc lá.

Trần Hương