Thứ 5, 16/01/2025, 15:06[GMT+7]

Ngày Tim mạch Thế giới 29/9: Cần tầm soát sớm bệnh phình động mạch chủ

Thứ 5, 29/09/2022 | 08:01:14
438 lượt xem
Biến chứng nguy hiểm nhất của phình động mạch chủ là vỡ mạch tại vị trí phình, đây là một trong những nguyên nhân gây đột tử cho người bệnh.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của TS.BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, động mạch chủ là cấu trúc dẫn máu lớn nhất, xuất phát từ tim, cung cấp toàn bộ các nhánh nuôi các cơ quan trong cơ thể. Cũng tương tự như các cơ quan khác, động mạch chủ cũng có những bệnh riêng của chính nó. Trong đó, có hai bệnh lý thường gặp nhất là bóc tách động mạch chủ và phình động mạch chủ, phình động mạch chủ là một trong số các bệnh thường gặp trong nhóm bệnh lý này.

Các yếu tố nguy cơ phình động mạch chủ bao gồm: Tăng huyết áp, nếu không được điều trị, có thể làm tăng nguy cơ hình thành phình mạch; đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, kém vận động. Trong đó, hút thuốc lá vẫn là yếu tố nguy cơ chính của phình động mạch chủ. Những người hút thuốc lá có tỷ lệ phình động mạch chủ tăng gấp 5 lần so với những người không hút thuốc.

Phình động mạch chủ là tình trạng giãn khu trú 1 đoạn nào đó của động mạch chủ, thường do xơ vữa mạch máu hoặc do bệnh mô liên kết gây yếu thành động mạch chủ. Bệnh diễn tiến âm thầm trong nhiều năm, biểu hiện triệu chứng khi dọa vỡ hoặc vỡ. Biến chứng nguy hiểm nhất của phình động mạch chủ là vỡ mạch tại vị trí phình, là một trong những nguyên nhân gây đột tử, mặc dù ít được nhắc đến.

Đối với phình động mạch chủ bụng, người bệnh thường đau bụng, đau lưng không điển hình, khối ở bụng đập theo nhịp đập của tim, tắc mạch chi dưới do thuyên tắc huyết khối hoặc mảng xơ vữa từ khối phình bắn đi. Còn triệu chứng phình động mạch chủ ngực thường gặp nhất là đau ngực. Khi có đau ngực, bệnh nhân thường đã có biến chứng như bóc tách động mạch chủ hoặc khối phình dọa vỡ.

Chính vì vậy, việc tầm soát phình động mạch chủ rất quan trọng, chẳng hạn như phình động mạch chủ bụng, được khuyến cáo cho nam giới từng hút thuốc lá từ 65 đến 75 tuổi bằng các phương pháp đơn giản, rẻ tiền, ít xâm lấn như siêu âm bụng. Nếu phát hiện phình động mạch chủ bụng, có thể điều trị bằng phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch đặt stent động mạch chủ.

Để phòng ngừa bệnh động mạch chủ, người bệnh cần thay đổi lối sống (giảm cân, tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày 30 phút, ít nhất 5 ngày/tuần). Không hút thuốc, vì hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính đối với tất cả các bệnh về mạch máu, bao gồm cả phình động mạch chủ.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nhất là huyết áp: dùng thuốc đều đặn, chế độ ăn giảm muối, nhiều rau xanh, ít mỡ động vật, giảm cholesterol, chất béo. Tầm soát sớm bệnh là các yếu tố quan trọng giúp phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến cố nguy hiểm của bệnh động mạch chủ.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày