Thứ 2, 25/11/2024, 13:59[GMT+7]

Phòng, chống bệnh truyền nhiễm khi thời tiết chuyển mùa

Thứ 3, 25/10/2022 | 21:06:38
1,905 lượt xem
Thời tiết chuyển mùa, mưa lạnh là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan và bùng phát. Gần đây, số người mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết... trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về những nội dung liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm khi thời tiết chuyển mùa.

Bệnh nhân điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Phóng viên: Tình hình bệnh cúm, sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh đang diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh mắc cúm có độc lực cao như: AH5N1, AH7N9... song số ca có biểu hiện hội chứng cúm ghi nhận tại các cơ sở điều trị và cộng đồng đã lên tới hơn 23.000 trường hợp. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận 317 ca bệnh sốt xuất huyết ở các huyện, thành phố. Một số địa phương đã xuất hiện các ca bệnh nội sinh thứ phát như: Đông Các (Đông Hưng), Vũ Hội (Vũ Thư), Vũ An (Kiến Xương), Quang Trung (thành phố Thái Bình)... Số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận nhiều nhất vào tháng 9, 10/2022. Cùng với đó, Thái Bình đã ghi nhận một số bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng, thủy đậu, quai bị, sốt phát ban, tiêu chảy...

Phóng viên: Dấu hiệu phân biệt, triệu chứng điển hình của bệnh cúm, sốt xuất huyết, Covid-19 là gì? Người dân có thể dùng test nhanh để tự test xác định cúm hay không? Một số người cho rằng khi mắc cúm A mà sử dụng test Covid-19 thì cũng lên 2 vạch, bác sĩ giải thích rõ hơn thắc mắc này?

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Covid-19 và bệnh cảm cúm hay cúm A đều là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp và có những biểu hiện giống nhau. Các triệu chứng điển hình của bệnh cúm là: sốt trên 38 độ C; đau cơ bắp; ớn lạnh; đau đầu; ho khan; mệt mỏi; sổ mũi; viêm long đường hô hấp trên; viêm họng... Đối với sốt xuất huyết là: sốt cao đột ngột, người mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, thường kèm theo đau họng, buồn nôn, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội.

Về sử dụng test nhanh, trên lý thuyết, que test nhanh Covid-19 sẽ không cho kết quả 2 vạch nếu người bệnh chỉ nhiễm virus cúm. Que test chỉ cho kết quả dương tính với độ đặc hiệu cao trên 90% khi phát hiện sự hiện diện protein của SARS-CoV-2 - virus gây bệnh Covid-19 có trong mẫu dịch tiết từ đường hô hấp của bệnh nhân. Nếu kết quả test nhanh dương tính (có cả 2 vạch C và T) thì có 2 trường hợp xảy ra, đó là người bệnh đã mắc bệnh Covid-19 hoặc không mắc bệnh nhưng cho kết quả dương tính giả do có sai sót ở vị trí lấy mẫu, điều kiện bảo quản mẫu, nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm, xem kết quả sau 30 phút... Nếu kết quả test nhanh âm tính (chỉ có 1 vạch C) ở người có các triệu chứng bệnh thì có 2 khả năng sau đây: Bệnh nhân chỉ mắc bệnh cảm cúm thông thường hay cúm A, không mắc Covid-19 hoặc bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng kết quả sai do kỹ thuật lấy mẫu chưa chuẩn, do độ nhạy của test thấp khi tải lượng virus thấp.

Phóng viên: Cơ chế lây lan của cúm, sốt xuất huyết là gì, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, lây truyền nhanh, có thể gây dịch, đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm khi ho, hắt hơi. Tỷ lệ lây lan càng nhanh khi tiếp xúc ở nơi tập trung đông người. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Đối với sốt xuất huyết thì chỉ lây qua muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn). Cụ thể, muỗi hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm virus Dengue không triệu chứng, sau đó đốt sang người khỏe mạnh rồi truyền virus qua vết đốt. Do đó, sốt xuất huyết có thể làm lây lan sang người khác qua muỗi đốt và phát triển thành dịch.

Phóng viên: Với các bệnh cúm, thậm chí là sốt xuất huyết, nhiều người thường có tâm lý chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà. Vậy theo bác sĩ khi nào thì điều trị tại nhà và khi nào người bệnh cần đến cơ sở y tế? Mức độ nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời?

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Đối với người cúm và sốt xuất huyết nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh phải được tăng cường dinh dưỡng, tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Khi có những dấu hiệu bất thường, chuyển nặng như: sốt cao kéo dài, khó thở, xuất huyết nhiều, mệt nhiều... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Bệnh sốt xuất huyết tiến triển rất khó lường và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh. Nhiều bệnh nhân khi đến cơ sở y tế khám đã ở tình trạng sốt cao, xuất huyết nhiều và nặng, mê sảng... Những bệnh nhân này nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như: trụy mạch, tụt huyết áp, sốc, suy tim, suy thận, hôn mê, thậm chí là tử vong... Đối với cúm, ở người khỏe mạnh, trẻ tuổi, cúm mùa thường không có những ảnh hưởng nghiêm trọng mà chỉ mang lại cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Bệnh sẽ tự khỏi sau 1 hoặc 2 tuần mắc bệnh. Tuy nhiên, ở trẻ em và những người hệ miễn dịch kém khi mắc cúm có thể dẫn tới các biến chứng như: viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, nhiễm trùng tai và có thể nặng bệnh lên, có thể khó thở, suy hô hấp, tử vong.

Phóng viên: Cần phải làm gì để phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm hiện nay, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, biện pháp tốt nhất là người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế. Đó là, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin sẵn có như: vắc-xin phòng Covid-19, cúm, các bệnh do phế cầu khuẩn... Đây là biện pháp chủ động tạo miễn dịch cho người có khả năng bị lây nhiễm. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người. Thực hiện an toàn thực phẩm, ăn đủ chất. Vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ chứa nước và các vật thải rắn, chỗ sinh sản của muỗi truyền sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, thường xuyên ngủ màn... Không hút thuốc lá, không sử dụng rượu, bia; rèn luyện thể dục thể thao, vận động hợp lý. Khi mắc bệnh truyền nhiễm, người bệnh cần đến khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Hoàng Lanh 

(Thực hiện)