Thứ 6, 22/11/2024, 17:04[GMT+7]

Diệt muỗi, bọ gậy, chủ động phòng sốt xuất huyết

Thứ 2, 14/11/2022 | 08:06:21
2,363 lượt xem
Nếu như cả năm 2021, Thái Bình ghi nhận 39 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) thì từ đầu năm đến ngày 6/11/2022, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh đã là 393 ca (tăng gấp 10 lần so với cả năm ngoái) trong đó 179 ca nội sinh. Số ca mắc SXH tăng cao so với năm 2021 và sự xuất hiện của nhiều ca SXH nội sinh làm tăng mối lo ngại bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên y tế giám sát, điều tra bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại huyện Thái Thụy.

Mới đây, trên địa bàn thị trấn Đông Hưng ghi nhận 1 ca mắc SXH nội sinh. Bệnh nhân là nam, sinh năm 2008. Qua khai thác tiền sử dịch tễ, hàng ngày bệnh nhân đi học không tiếp xúc với ai ở tỉnh ngoài. Ngày 30/10, bệnh nhân khởi phát triệu chứng sốt, tự điều trị tại nhà nhưng không khỏi. Đến ngày 2/11, bệnh nhân đi khám, làm xét nghiệm dengue và có kết quả dương tính. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng. Khi có thông tin về ca mắc trên địa bàn, thị trấn Đông Hưng đã báo cáo Trung tâm Y tế huyện Đông Hưng, phối hợp triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống SXH.

Bác sĩ Phạm Thị Nga Huệ, Trưởng trạm Y tế thị trấn Đông Hưng cho biết: Ngay sau khi có thông tin về ca mắc SXH, Trạm Y tế đã cử cán bộ phối hợp cùng cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đông Hưng tới gia đình bệnh nhân và các hộ xung quanh điều tra, giám sát; hướng dẫn các hộ làm vệ sinh môi trường kết hợp tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe. Xác định nguy cơ lây lan SXH từ ca nội sinh lớn, Trạm Y tế thị trấn đã xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch SXH nội sinh với mục tiêu khống chế không để dịch lan rộng; phát hiện, điều trị kịp thời, giảm tỷ lệ mắc, tử vong do dịch SXH. Để triển khai thực hiện kế hoạch, Trạm đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca bệnh; huy động các tình nguyện viên tham gia đội xung kích diệt bọ gậy; đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia phòng, chống dịch; thành lập 2 tổ phòng, chống dịch lưu động, phân công cán bộ với từng nhiệm vụ cụ thể; đồng thời kiểm tra, bổ sung thuốc theo quy định... Từ khi phát hiện ca bệnh nội sinh đến nay, trên địa bàn chưa ghi nhận ca bệnh SXH nội sinh mới.

Dịch SXH đang diễn biến phức tạp, số ca mắc có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Đáng lưu ý, có tỉnh, thành phố số ca mắc đã vượt ngưỡng cảnh báo hoặc phải đưa ra cảnh báo đỏ như: Hà Nội, Quảng Nam... Tại Thái Bình, từ ngày 31/10 - 6/11 (tuần 45), số ca mắc SXH ghi nhận là 24 ca, tăng 14 ca so với tuần trước. Các ca mắc ghi nhận trong tuần chủ yếu là ca ngoại sinh, không ghi nhận ca mắc thứ phát tại các ổ dịch cũ. Những bệnh nhân SXH đang điều trị chưa có dấu hiệu chuyển nặng và tử vong. Ngay khi xuất hiện các ca mắc SXH, các biện pháp phòng, chống dịch nhanh chóng được triển khai. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các ca nội sinh ở nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh, công tác phòng, chống dịch cần sự vào cuộc quyết liệt cao hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và mỗi người dân. Bởi theo nhận định của ngành y tế, sự xuất hiện của ca nội sinh cho thấy nguồn bệnh đã xuất hiện ở ngay địa phương đó; nguy cơ lây nhiễm cao hơn và có thể xuất hiện các ca bệnh mới nếu không có biện pháp tiêu diệt muỗi, bọ gậy - véc-tơ truyền bệnh SXH.

Dịch SXH có tính chất chu kỳ, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy, muỗi phát triển. Cùng với đó, sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức phòng bệnh của nhiều người chưa tốt, còn chủ quan, lơ là. Theo dự báo của ngành y tế, thời gian tới, tình hình SXH có thể còn diễn biến phức tạp. Vì thế, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, các địa phương, mỗi gia đình và cá nhân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH. Dành 10 phút mỗi tuần diệt bọ gậy, muỗi; thường xuyên vệ sinh môi trường... là khuyến cáo của Bộ Y tế với mỗi người dân bởi không có bọ gậy, muỗi truyền bệnh sẽ không có SXH.

Hoàng Lanh