Thứ 3, 26/11/2024, 09:47[GMT+7]

Lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn tránh nguy cơ ngộ độc

Thứ 7, 14/01/2023 | 08:47:55
1,548 lượt xem
Dịp tết thường diễn ra các buổi liên hoan tất niên, tổ chức ăn uống gặp mặt người thân trong gia đình. Vì thế, nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao. Sức mua tăng cũng là cơ hội để thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái len lỏi, xâm nhập vào thị trường. Vì sức khỏe người tiêu dùng, hãy lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn là thông điệp các cơ quan chức năng gửi tới mỗi người dân.

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra tại đơn vị chế biến, đóng gói các loại hạt sấy khô, xã Vũ Ninh (Kiến Xương).

Với quan niệm một bữa ăn ngon không chỉ bảo đảm dinh dưỡng mà còn phải an toàn. Vì thế, để lựa chọn thực phẩm cho gia đình hàng ngày, ông Nguyễn Văn Huệ, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) thường tìm đến các cửa hàng thực phẩm có uy tín để mua. Ông Huệ chia sẻ: Nhà có 4 người ăn nên tôi thường vào các cửa hàng để mua thực phẩm. Sản phẩm ở các cửa hàng này đều có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, thực phẩm tươi ngon, giá cả niêm yết nên tôi cảm thấy yên tâm hơn. Ngoài chợ, thực phẩm nhìn ngon mắt và có thể rẻ hơn nhưng cũng không biết được nguồn gốc ra sao, chất lượng thế nào.

Lo sợ mua phải thực phẩm không an toàn, thận trọng khi mua thực phẩm, nhiều người như ông Huệ đã đến các cửa hàng thực phẩm có uy tín. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để vào các cửa hàng này bởi giá thành nhiều loại thực phẩm thường cao hơn ngoài chợ. Vì thế, mua thực phẩm ở đâu, có an toàn không vẫn là vấn đề quan tâm của đa số các gia đình có thu nhập thấp, trung bình. Không có điều kiện vào các siêu thị hay cửa hàng thực phẩm lớn, nhiều người lựa chọn mua thực phẩm tại chợ song điểm đến họ lựa chọn thường là những hàng quen. Bà Hoàng Thị Yến (Vũ Thư) cho biết: Ở chợ thực phẩm rất đa dạng, dịp tết lại càng nhiều hơn, sản phẩm trông rất tươi, ngon nhưng tôi cũng không biết nguồn gốc, xuất xứ ở đâu. Nhà có con nhỏ nên tôi chỉ dám mua của người quen mà cũng không biết có an toàn không.

Nỗi lo về thực phẩm không an toàn của người dân là chính đáng bởi hiện nay có rất nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, ôi thiu... vẫn thường xuyên được các cơ quan chức năng phát hiện, tiêu hủy. Tại Thái Bình, để nâng cao nhận thức của chủ sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, ngoài việc tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành, ngành y tế đã phối hợp với ngành nông nghiệp, công thương tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành. Nội dung kiểm tra thường tập trung vào việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP); điều kiện về cơ sở vật chất, người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm... Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Tuyên truyền và kiểm tra về ATTP là những hoạt động trọng tâm được Chi cục thực hiện thường xuyên. Ngoài việc đăng tải trên website của đơn vị, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP nhằm cảnh báo, răn đe các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng và nâng cao nhận thức, hiểu biết của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Chi cục cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức về ATTP cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức kiểm tra liên ngành, tập trung vào những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Mục tiêu của đợt kiểm tra nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý về ATTP trong tình hình mới; đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP; trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; phát hiện, ngăn chặn, xử lý, cảnh báo vi phạm về ATTP của các tổ chức, cá nhân...

Các cấp, ngành, địa phương đang tổ chức các đợt kiểm tra cao điểm về ATTP. Song song với hoạt động kiểm tra là tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm những quy định về ATTP. Tuy nhiên, nếu chỉ có các cơ quan chức năng vào cuộc thì chưa đủ mà cần có vai trò giám sát của mỗi người dân. Để trở thành những người tiêu dùng thông thái vì sức khỏe của chính mình và những người thân trong gia đình, người dân nên tẩy chay thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc từ các vụ ngộ độc cấp tính, mạn tính.

Hoàng Lanh