Thứ 6, 29/03/2024, 01:58[GMT+7]

Chủ động giám sát, xử lý dịch bệnh mùa đông xuân

Thứ 3, 14/02/2023 | 09:22:42
2,319 lượt xem
Điều kiện thời tiết nồm ẩm, nhiệt độ thấp, mưa phùn kéo dài, hoạt động giao thương dịp lễ hội đầu năm tăng... rất dễ khiến mầm bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan gây dịch. Từ ngày 6/2/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 ổ dịch cúm A ở các trường tiểu học, mầm non. Các biện pháp xử lý ổ dịch vẫn đang được ngành y tế, các địa phương, đơn vị phối hợp triển khai nhằm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Mới đây, tại thành phố Thái Bình đã ghi nhận chùm ca bệnh cúm A ở Trường Mầm non Trần Lãm cơ sở 2. Toàn trường có hơn 70 học sinh nghỉ học, theo dõi sức khỏe tại nhà, tập trung nhiều nhất ở 2 lớp 4 tuổi. Triệu chứng phổ biến xuất hiện ở một số học sinh là sốt, ho, đau họng. Trước đó (ngày 6/2), nhà trường đã ghi nhận 2 học sinh phải nhập viện điều trị vì mắc cúm A. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chiều ngày 10/2, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên một số học sinh đang ốm sốt, phát hiện 1 trường hợp có kết quả dương tính với virus cúm A.

Dù chưa có bệnh nhân nặng song đã có sự lây nhiễm, do đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, Trạm Y tế, Trường Mầm non Trần Lãm nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trần Lãm cho biết: Tại Trường Mầm non Trần Lãm, cùng với việc thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, danh sách người bệnh, nghi mắc bệnh, tổ chức khám, tư vấn, hướng dẫn sức khỏe người bệnh, lên sơ đồ cụ thể về dịch tễ học của bệnh, báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, nhà trường đã tiến hành vệ sinh trường lớp, phun thuốc khử khuẩn, lau chùi dụng cụ đồ dùng của học sinh; tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách sử dụng khẩu trang đúng cách, thực hiện các quy định về phòng, chống dịch... Tại phường Trần Lãm, các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, tiêm vắc-xin phòng bệnh được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh ở các trường học trên địa bàn; giám sát các ca mắc, nghi mắc. Trạm Y tế phường bảo đảm thường trực, báo cáo dịch theo quy định... Đến nay, ổ dịch tại Trường Mầm non Trần Lãm đã được kiểm soát, không có diễn biến bất thường.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 6/2/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 ổ dịch cúm A nhỏ ở một số trường tiểu học, mầm non của huyện Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy và thành phố Thái Bình. Các ổ dịch đều đã được hướng dẫn xử lý. Song theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện thêm ổ dịch cúm ở các địa phương, nhất là trong trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh... Trước nguy cơ gia tăng một số bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, nhất là dịch Covid-19, cúm A, ngày 10/2/2023 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tập trung, chủ động chỉ đạo, giám sát, xử lý bệnh dịch mùa đông xuân, trọng tâm là cúm A, Covid-19. Cụ thể, đề nghị trung tâm y tế các huyện, thành phố căn cứ kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm tỉnh Thái Bình do UBND tỉnh ban hành ngày 7/2/2023 để tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường giám sát, báo cáo kịp thời các ca bệnh, ổ dịch để có biện pháp xử lý nhanh, triệt để, không để dịch bùng phát. Bên cạnh đó, các trung tâm y tế cần rà soát, củng cố kiện toàn các đội cơ động phòng, chống dịch; chủ động, sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm; rà soát các trường hợp tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tiêm chủng mở rộng; chỉ đạo các trạm y tế thường xuyên giám sát, xử lý, báo cáo ca bệnh... Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại đơn vị, thực hiện thu dung, điều trị theo quy định không để lây chéo; phối hợp điều tra, xử lý dịch bệnh kịp thời.

Thời tiết nồm, ẩm ướt, mưa phùn kéo dài khiến nhiều người, nhất là người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền, sức đề kháng kém dễ mắc bệnh về hô hấp, viêm phổi, dị ứng, cúm, viêm da... Ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình; không hoang mang nhưng không chủ quan với dịch bệnh.

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày