Thứ 2, 13/01/2025, 09:39[GMT+7]

Những sai lầm phổ biến về dinh dưỡng

Thứ 6, 24/02/2023 | 14:32:25
1,628 lượt xem
Uống nước ép để giảm ăn cơm, ăn trái cây khi bụng đói tránh đầy hơi, uống nước kiềm có lợi cho cơ thể... gây hiểu nhầm về dinh dưỡng, ảnh hưởng sức khỏe.

Uống nước ép để giảm ăn nhiều cơm

Nhiều người cho rằng uống nước ép rau có thể giúp ngon miệng hơn và mang lại lợi ích giảm calo nạp vào, song đây là quan niệm sai lầm. Chất xơ góp phần tạo cảm giác no và giảm lượng đường trong máu, tuy nhiên chất này không có trong nước ép rau.

Điều này tương tự với nước ép hoa quả, ví dụ táo, nho, cam. Các nghiên cứu cho thấy nước ép táo không có chất xơ, ít gây cảm giác no và làm tăng lượng đường trong máu. Nghiên cứu cũng chỉ ra loại bỏ chất xơ khiến mọi người ăn và hấp thụ nhanh hơn, giảm cảm giác no, cân bằng nội môi glucose bị xáo trộn.

Thay vào đó, bạn nên ăn rau trước, sau đó mới đến các thực phẩm khác để giảm lượng calo nạp vào. Khi bạn cảm thấy no, khả năng hấp thụ carbohydrates từ gạo hoặc mỳ sẽ ít hơn.

Ăn trái cây khi bụng đói

Mọi người truyền tai nhau rằng ăn trái cây khi bụng đói giúp tiêu hóa nhanh, tránh đầy hơi. Tuy nhiên, khoa học chưa chứng minh được ăn trái cây gây đầy hơi cho những người khỏe mạnh, cũng như thời điểm tốt để ăn trái cây.

Thực tế, quá trình làm rỗng dạ dày chậm không xấu. Việc này giúp bạn cảm thấy no lâu hơn khi đang ăn kiêng giảm cân. Ăn trái cây chứa chất xơ sau bữa ăn cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu sau khi ăn. Bạn chỉ nên kiêng trái cây khi bác sĩ yêu cầu.

Một số loại trái cây gây đầy hơi do chứa "FODMAPS", viết tắt của oligosacarit, disacarit, monosacarit và polyol. Đây là các chất đường không được tiêu hóa hoặc hấp thụ hoàn toàn ở những người có bệnh tiêu hóa, ví dụ hội chứng ruột kích thích.

Không uống nước trước bữa ăn

Nhiều người cho rằng uống nước trước bữa ăn sẽ pha loãng axit dạ dày khiến tiêu hóa kém hiệu quả. Song, đây là quan niệm chưa đúng. Nước rất quan trọng với hệ tiêu hóa, giúp các enzyme tiêu hóa hoạt động và là phương tiện giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng. Bạn cũng cần nước để cung cấp chất xơ hòa tan, để cơ thể loại bỏ chất thải. Do đó, uống một ít nước trước bữa ăn không xấu.

Bên cạnh đó, cơ thể thường nhầm lẫn khát và đói, ví dụ ở người không uống đủ nước. Do đó, khi bắt đầu bữa ăn, bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể để hạn chế ăn thừa, ăn quá nhiều. Uống nước còn kích thích cơ thể sản xuất enzyme tiêu hóa, tiết nước bọt làm ẩm và nhai, nuốt dễ dàng hơn.

Bạn nên thử uống một ly nước trước bữa ăn, hoặc dùng súp trong khi ăn, chỉ cần tránh dùng súp quá nhiều muối. Nếu bạn mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hãy hạn chế lượng nước trong bữa ăn vì có thể đẩy dịch dạ dày đến gần cơ vòng thực quản, làm bệnh trở nặng. Thay vào đó, bạn hãy uống nước trước khi ăn 30 phút.

Nước kiềm trung hòa axit máu

Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất là độ pH của nước. Thang đo pH nằm trong khoảng từ 0 đến 14, trong đó chỉ số pH từ 7 là trung tính, chỉ số pH dưới 7 thì có tính acid, pH trên 7 thì có tính kiềm. Nhiều người cho rằng nếu uống nước có tính axit, cơ thể sẽ có quá nhiều axit trong máu và gặp nhiều vấn đề sức khỏe, ví dụ ung thư, loãng xương. Các bệnh này có thể được phòng ngừa bằng nước kiềm.

Song, nước kiềm chưa được khoa học chứng minh có tác dụng phòng bệnh, trung hòa axit máu. Bên cạnh đó, axit dạ dày có thể trung hòa mọi loại nước kiềm để tránh gây ảnh hưởng cơ thể.

Hiểu nhầm khác cũng liên quan, đó là khối u phát triển nhanh hơn trong môi trường axit. Thực tế khối u tạo ra môi trường axit để phát triển. Cuối cùng, thận và phổi cùng tham gia vào quá trình giữ cho máu và dịch cơ thể ở độ pH ổn định. Nếu sử dụng quá nhiều nước kiềm có thể ảnh hưởng đến thận, gây tác dụng phụ như khó tiêu, da khô, ngứa.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày