Thứ 2, 25/11/2024, 18:52[GMT+7]

Sử dụng túi hút chân không chứa đựng thực phẩm dễ gây ngộ độc botulinum

Thứ 4, 22/03/2023 | 22:08:26
2,478 lượt xem
Các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm. Đặc biệt, nguy cơ ngộ độc botulinum cũng dễ xuất hiện khi xu hướng sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm gia tăng, không đun chín kỹ thực phẩm trước khi ăn.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ điều trị bệnh nhân ngộ độc botulinum.

Ngày 22/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố của Clostridium botulinum (C.botulinum) gây ra.

Mới đây, tại tỉnh Quảng Nam vừa xuất hiện 3 chùm ca bệnh, trong đó, có tổng số 10 người bị ngộ độc botulinum sau khi sử dụng thực phẩm cá chép muối ủ chua, một người đã tử vong. Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn C.botulinum trong món cá chép muối ủ chua.

Theo Cục An toàn thực phẩm, vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp như: Sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí. Các thực phẩm đóng hộp công nghiệp thường sử dụng nitric để ức chế độc tố botulinum. Các thực phẩm đóng hộp được chế biến thô sơ rất dễ nhiễm khuẩn C.botulinum.

“Vi khuẩn C.botulinum tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau, gặp môi trường bất lợi nó tạo lớp vỏ bọc (nha bào), khi gặp môi trường thuận lợi, có dinh dưỡng, thiếu không khí, các nha bào này phá vỡ vỏ bọc, sinh sôi, phát triển và sinh độc tố. Do vậy, đối với những thực phẩm đã nhiễm vi sinh vật, nha bào, độc tố, tốt nhất là không nên tiếp tục sử dụng”, Cục An toàn thực phẩm thông tin.

Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra lưu ý, thực phẩm đóng hộp dễ có nguy cơ bị ngộ độc botulinum nhất. Ngoài ra, tất cả các loại thực phẩm khác như: Rau, củ, quả, hải sản... vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn C.botulinum nếu không bảo đảm an toàn thực phẩm và được ủ, bọc kín.

Các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm. Đặc biệt, nguy cơ ngộ độc botulinum cũng dễ xuất hiện khi xu hướng sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm gia tăng, không đun chín kỹ thực phẩm trước khi ăn.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết thêm, trào lưu sử dụng túi hút chân không các hộ gia đình tự làm không bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt ngộ độc vi khuẩn yếm khí nguy hiểm.

Do đó, Cục An toàn thực phẩm lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài.

Để phòng, chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định. Riêng trong sản xuất đồ hộp phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.

Ngoài ra, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Bên cạnh đó, thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần bảo đảm phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

“Người dân khi thấy xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Theo hanoimoi.com.vn