Chủ nhật, 12/01/2025, 18:58[GMT+7]

Sự nguy hiểm của vi rút Marburg

Chủ nhật, 09/04/2023 | 22:00:58
1,490 lượt xem
Vi rút Marburg có thể khó chẩn đoán do gây triệu chứng giống một số căn bệnh khác và gây nguy cơ tử vong cao.

Dơi là vật chủ tự nhiên của vi rút Marburg. Ảnh: Getty Images

Đầu năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, đã có một đợt bùng phát vi rút Marburg ở Guinea Xích đạo và Tanzania. Guinea Xích đạo nhận thông tin cảnh báo vào tháng 2 sau một loạt trường hợp tử vong được ghi nhận trước đó, trong khi Bộ Y tế Tazania công bố thông tin về đợt bùng phát vào cuối tháng 3.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC), đã có 14 ca mắc vi rút Marburg được xác nhận ở Guinea Xích đạo kể từ khi dịch bệnh bắt đầu và 10 bệnh nhân trong số đó đã tử vong.

Phương thức lây lan

Vi rút Marburg có thể gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán do gây ra những biểu hiện tương tự một số bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, sốt thương hàn, viêm màng não và Ebola.

Loại vi rút này cùng họ vi rút gây bệnh Ebola, được truyền sang người thông qua vật chủ tự nhiên là dơi ăn quả. Sau khi một người bị nhiễm, vi rút sẽ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bệnh, cũng như qua các bề mặt và vật liệu bị nhiễm.

Triệu chứng và tỷ lệ tử vong

Những triệu chứng phổ biến do vi rút Marburg gây ra gồm sốt xuất huyết, mệt mỏi, nôn ra máu và tiêu chảy. Những người nhiễm loại vi rút này cũng có biểu hiện đau đầu và cảm giác khó chịu, có thể đi kèm với tình trạng đau cơ, chuột rút và vàng da.

Vi rút Marburg gây tỷ lệ tử vong cao. Ảnh: Getty Images

USCDC cho biết, ngày thứ năm sau khi mắc vi rút Marburg, người bệnh có thể bị phát ban không ngứa ở ngực, lưng hoặc bụng. Theo WHO, ở những ca bệnh nặng, bệnh nhân thường tử vong sau khoảng 8-9 ngày tính từ thời điểm khởi phát do tình trạng mất máu và sốc.

Cơ quan y tế thế giới cũng thông báo, vi rút Marburg rất hiếm gặp ở người nhưng có khả năng lây nhiễm cao nếu vật chủ là người. Loại vi rút này gây tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 50%. Trong đợt bùng phát ở Angola, tỷ lệ tử vong ở người nhiễm Marburg lên đến 88%.

Biện pháp điều trị

WHO cho biết, hiện chưa có vắc xin đặc trị hoặc phương pháp kháng vi rút Marburg được phê duyệt. Tuy nhiên, các biện pháp như bù nước và điều trị những triệu chứng cụ thể có thể giúp giảm nguy cơ tử vong ở người bệnh. 

Trước đó, cơ quan này đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận kế hoạch thử nghiệm một trong nhiều loại vắc xin và các phương pháp điều trị vẫn đang trong quá trình phát triển.

Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm, WHO đã cử các nhóm chuyên gia đến những khu vực bị ảnh hưởng để truy vết người tiếp xúc, cách ly những trường hợp có triệu chứng của bệnh và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế.

Theo hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày