Chủ nhật, 12/01/2025, 16:53[GMT+7]

Phòng bệnh truyền nhiễm ở trẻ: Tránh tâm lý chủ quan, lơ là

Thứ 2, 17/04/2023 | 07:52:30
2,020 lượt xem
Tay chân miệng, cúm, thủy đậu, sốt xuất huyết… là những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ và đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố. Tại Thái Bình, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận một số ổ dịch cúm, thủy đậu tại trường học. Dù các ổ dịch nhỏ và được phát hiện, xử lý kịp thời song điều này cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm ở trẻ luôn tiềm ẩn.

Cán bộ y tế giám sát bệnh thủy đậu tại Trường Tiểu học và THCS Xuân Hòa (Vũ Thư).

Mới đây, tại lớp 2B Trường Tiểu học và THCS Xuân Hòa (Vũ Thư) ghi nhận nhiều học sinh nghỉ học, trong đó 1 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình. Các em đều có các triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu như sốt, nổi mụn nước rải rác. Ngay sau khi nắm được thông tin, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng cán bộ Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư đã trực tiếp về địa phương phối hợp với Trạm Y tế xã Xuân Hòa và nhà trường điều tra dịch tễ, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. 

Thầy giáo Lê Thành Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Xuân Hòa cho biết: Khi phụ huynh học sinh nhắn tin xin cho các cháu nghỉ học vì bị ốm, giáo viên cũng chỉ nghĩ các cháu ốm bình thường mà chủ quan không hỏi ốm do bệnh gì. Cán bộ y tế trường học là kiêm nhiệm, thiếu kiến thức chuyên môn về y tế, cộng thêm sự chủ quan của một số phụ huynh nên việc phát hiện bệnh còn chậm. Ngay sau đó chúng tôi đã rút kinh nghiệm và tích cực phối hợp để thực hiện công tác phòng, chống dịch, không để lây lan.

Để xử lý triệt để ổ dịch và khống chế dịch bệnh lây lan, cán bộ y tế đề nghị nhà trường tiếp tục vệ sinh môi trường thường xuyên; tăng cường các vòi nước, xà phòng rửa tay, nước sát khuẩn; vệ sinh lớp học và nơi có nguy cơ dính dịch tiết của học sinh mắc bệnh; phun khử khuẩn; thường xuyên cập nhật tình hình học sinh nghỉ ốm, báo cáo kịp thời để khám, phân loại ca bệnh. Học sinh lớp có ca mắc thủy đậu đeo khẩu trang, hạn chế đổi chỗ ngồi, nếu học sinh bị ốm cho nghỉ học đến khi không còn triệu chứng mới đi học trở lại... Trạm Y tế xã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; phân công cán bộ hỗ trợ nhà trường phòng, chống dịch; tuyên truyền và hướng dẫn xử lý môi trường cho đến khi không còn ca mắc mới...

Hiện nay, dịch Covid-19 được kiểm soát, trẻ lơ là thói quen đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, không rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn thường xuyên. Bên cạnh đó, sự giao mùa từ xuân sang hè, thời tiết mưa nắng thất thường, có lúc nồm ẩm khiến các loại virus, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát triển, trong khi đó sức đề kháng yếu nên trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh viện Nhi Thái Bình đã tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm đến khám, điều trị. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Mỗi ngày Khoa khám từ 300 - 400 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khoảng 30%. Các bệnh chủ yếu là cúm A, virus hợp bào hô hấp, tay chân miệng và thỉnh thoảng có ca sốt xuất huyết... So với mọi năm, năm nay có nhiều trường hợp nặng hơn, có ca cúm A, tay chân miệng đã phải thở máy. Một số trường hợp mắc tay chân miệng không điển hình chỉ có triệu chứng sốt nhưng sau đó diễn biến nặng, nhanh. Có trường hợp gia đình tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà chưa có chỉ dẫn của bác sĩ nên đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn, bệnh nặng.

Không chỉ thời điểm giao mùa, mùa hè cũng là thời điểm của nhiều bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm não, tay chân miệng... Bác sĩ Bùi Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Để phòng bệnh truyền nhiễm ở trẻ, các gia đình cần bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao thể lực, sức đề kháng cho trẻ; hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; vệ sinh nhà cửa, lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập; cho trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh. Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, gia đình cần cho trẻ đến các cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị kịp thời. Cùng với gia đình, các trường học cần thường xuyên vệ sinh trường lớp; phối hợp với gia đình phòng bệnh. Lực lượng y tế trường học cần thường xuyên cập nhật kiến thức phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; thông tin ngay cho y tế cơ sở khi có học sinh mắc bệnh. Khi trẻ bị ốm, giáo viên cần tìm hiểu xem trẻ mắc bệnh gì, nếu là bệnh truyền nhiễm cần báo cáo y tế xử lý kịp thời, tránh để lây lan, bùng phát.

Trẻ mắc bệnh thủy đậu điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày