Chủ nhật, 12/01/2025, 17:03[GMT+7]

Các địa phương cần chủ động rà soát nhu cầu vaccine COVID-19

Thứ 3, 18/04/2023 | 15:38:01
1,397 lượt xem
Số ca mắc COVID-19 tiếp tục có xu hướng gia tăng; các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine phòng COVID-19 để tiêm trong 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân, vaccine COVID-19 dù còn hạn chế trong hiệu quả phòng lây nhiễm biến chủng Omicron, nhưng vẫn phòng hiệu quả các ca nặng và tử vong - Ảnh: VGP/HM

Theo ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đang lưu hành phổ biến trên thế giới với một số biến thể phụ, như: BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia.

Kết quả giám sát giải trình tự gene các ca bệnh trong nước cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, nước ta đã ghi nhận 2.070 ca mắc COVID-19, trung bình 160 ca mắc/tuần, tỉ lệ bệnh nặng/mắc là 1,3%. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số mắc có chiều hướng gia tăng. Từ ngày 1-7/4 có 278 ca/tuần, tỉ lệ nặng/mắc là 1,4%; từ ngày 8-14/4 tăng lên 2.000 ca, tỉ lệ nặng/mắc là 1,1%.

Đến ngày 17/4, cả nước ghi nhận 1.031 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất trong khoảng gần 6 tháng qua.

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, tháng 1/2023, BV chỉ tiếp nhận điều trị 20 ca mắc COVID-19, tháng 2 điều trị 21 ca, tháng 3 tăng lên 45 ca và từ tháng 4, con số này tăng lên nhanh. Cụ thể, tuần đầu tiên của tháng 4, BV điều trị 47 ca, tuần 2 tăng lên 85 ca. Cập nhật đến cuối ngày 17/4, BV đang tiếp nhận điều trị 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng.

Theo lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, 21 bệnh nhân có dấu hiệu bệnh chuyển nặng đa số trên 70 tuổi, có bệnh nền, như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, viêm gan, xơ gan…

Hiện, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã thành lập đường dây nóng để tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới nhằm phân tầng, chuyển bệnh nhân phù hợp, tránh quá tải cho tuyến trên.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, dự kiến trong tuần này, Hội đồng chuyên môn sẽ họp để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với tình hình mới.

Vaccine COVID-19 hiện nay vẫn hiệu quả phòng bệnh trở nặng

Theo ông Phan Trọng Lân, nước ta hiện nay chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine COVID-19. Vaccine COVID-19 hiện nay dù còn hạn chế trong hiệu quả phòng lây nhiễm biến chủng Omicron, nhưng vẫn phòng hiệu quả các ca nặng và tử vong.

Vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine phòng COVID-19 để tiêm 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhóm đối tượng trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại một số địa phương còn tỉ lệ tiêm thấp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế sẽ căn cứ vào nhu cầu đề xuất vaccine COVID-19 của địa phương gửi về. Địa phương đề xuất bao nhiêu vaccine thì nhận đúng như thế. Thực tế, hiện nay, có những thời điểm, đơn vị chuyên môn đưa vaccine COVID-19 về tận cơ sở nhưng không có người nhận.

Mới đây, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cấp cho Hà Nội 10.000 liều vaccine COVID-19 để tiêm chủng cho các đối tượng theo hướng dẫn. 

Trước đó, để tăng độ bao phủ và sử dụng hiệu quả vaccine COVID-19 AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo, tham mưu việc tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương chưa đạt tỉ lệ mục tiêu tối thiểu là 80%.

Theo Chinhphu.vn


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày