Thứ 6, 26/04/2024, 09:44[GMT+7]

WHO khuyến khích chấm dứt tình trạng khẩn cấp với Covid

Thứ 5, 04/05/2023 | 15:29:05
1,203 lượt xem
WHO vừa công bố chiến lược mới chống Covid-19, khuyến khích các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại hội nghị về vaccine Covid-19 ở Brussels, Bỉ hồi tháng 2.

Hướng dẫn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra ngày 3/5, trước cuộc họp có nên tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do Covid-19. Chiến lược mới được chỉ định cho giai đoạn 2023-2025. Đây là lần thứ 4 tổ chức này công bố kế hoạch ứng phó với dịch bệnh kể từ ca nhiễm đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Chiến lược mới sẽ duy trì hai mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022 là giảm sự lưu hành của nCoV và điều trị giúp giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc và triệu chứng lâu dài.

Mục tiêu mới thứ ba là "hỗ trợ các quốc gia chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang phòng ngừa, kiểm soát và quản lý Covid-19 bền vững, lâu dài", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc WHO, cho biết.

Theo ông Tedros, chiến lược mới cũng nhấn mạnh vào việc giải quyết tình trạng Covid-19 kéo dài, phát sinh ở 6% bệnh nhân có triệu chứng.

Các trụ cột chính trong chiến lược vẫn là quản lý thông tin dịch bệnh, các điểm nhập cảnh, du lịch, vận chuyển quốc tế; tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao; nghiên cứu và phát triển các loại vaccine phù hợp với tình hình thực tế.

Tuần trước, WHO cho biết số ca tử vong do Covid-19 giảm 95% kể từ đầu năm, nhưng cảnh báo virus vẫn lưu hành trong cộng đồng. Các quốc gia cần học cách quản lý các tác động không khẩn cấp của nó, đặc biệt là tình trạng hậu Covid-19.

Ông Tedros cảnh báo ứng phó với Covid-19 là quá trình dài hơi và tốn kém. Tuy nhiên, thế giới sẽ phải trả một cái giá lớn hơn nếu không đầu tư vào hoạt động này bằng các cam kết khoa học, y tế bền vững.

"Đây là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi các quốc gia duy trì đủ năng lực y tế, tâm lý sẵn sàng và tính linh hoạt để mở rộng quy mô điều trị trong thời gian dịch gia tăng. Đồng thời, các nước cần duy trì dịch vụ y tế thiết yếu khác, chuẩn bị cho sự xuất hiện của các biến chủng mới với mức độ nghiêm trọng tăng", ông Tedros nói.

Hiện nay, số ca Covid-19 tăng trở lại ở một số quốc gia, đặc biệt là Đông Nam Á, song số ca tử vong và nhập viện không tăng. Các nước đối mặt với biến chủng phụ mới của Omicron là XBB.1.16. Tại Việt Nam, số ca Covid cũng tăng trở lại, các bác sĩ đang theo dõi độc lực của các chủng nCoV lưu hành.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày