Thứ 5, 25/04/2024, 08:33[GMT+7]

Không chủ quan sau tuyên bố của WHO về Covid-19

Thứ 2, 08/05/2023 | 17:41:03
1,417 lượt xem
Các chuyên gia cho hay, Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để sớm xem xét công bố cấp quốc gia với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm này, Việt Nam đang có làn sóng dịch nhỏ, chưa thể đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Chăm sóc người cao tuổi trong đại dịch Covid-19.

Các nước sẽ tự quyết định biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 5/5, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Quyết định này dựa trên việc xem xét chiều hướng bệnh nhân nhập viện và tử vong do Covid-19 cũng như mức độ miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu (do tiêm chủng và do nhiễm tự nhiên).

Theo đánh giá này, bệnh dịch của một quốc gia (nếu có) sẽ không làm bùng phát dịch ở toàn cầu trừ khi việc bùng phát dịch ở quốc gia gây ra một biến chủng mới nguy hiểm (nhưng điều này được đánh giá là hiếm ở thời điểm hiện tại và đang được theo dõi chặt chẽ).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, khi Tổ chức Y tế thế giới công bố chấm dứt PHEIC (Tình huống y tế công cộng khẩn cấp có quan ngại quốc tế - Public health emergency of international concern), điều này không có nghĩa là dịch sẽ tự động hết ở tất cả các quốc gia và các quốc gia có quyền công bố đã thanh toán xong Covid-19. Điều này chỉ có nghĩa là các quốc gia có quyền đánh giá tình hình dịch và có những ứng xử y tế công cộng phù hợp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc Covid-19 WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu giúp cho từng quốc gia, trong đó có Việt Nam, thuận lợi hơn cho việc ra quyết định trong công tác phòng, chống dịch.

"Dựa trên công bố của WHO, Việt Nam có cơ sở quan trọng trong việc xem xét đánh giá tình hình dịch ở nước ta. Khi trên thế giới không còn tình trạng khẩn cấp, đáng quan ngại thì chắc Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia", ông Phu cho hay.

Thực tế, WHO cũng đã xây dựng và đã công bố chiến lược mới trong phòng chống Covid-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.

Chiến lược mới bên cạnh việc duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài, thì kế hoạch mới sẽ hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch Covid-19 một cách bền vững lâu dài, để không có sự bất ngờ.

Chưa nên công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp của Covid-19 tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê hiện nay và dựa trên lập luận tương tự như lập luận của Ủy ban khẩn cấp (Emergency committee) của WHO thì Việt Nam có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp của Covid-19 trong tương lai rất gần.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng, ở thời điểm hiện tại Việt Nam chưa nên công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp của Covid-19 ngay vì ở Việt Nam vẫn có một làn sóng dịch nhỏ.

“Khi đang có làn sóng dịch nhỏ, ngay lúc này chúng ta tuyên bố Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A là chưa phù hợp. Ngành y tế nên chăm sóc những người đã và sắp bị nhiễm trong làn sóng dịch này, khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ, tạo điều kiện phòng ngừa cho người không thể tiêm vaccine Covid-19 vì lý do y khoa, trước khi công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp và đưa bệnh Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A”, Phó Giáo sư Dũng chia sẻ quan điểm.

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của Covid-19 với Việt Nam, theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cho rằng, về lý thuyết, thế giới vẫn có khả năng xuất hiện biến chủng mới, nhưng xét về mặt di truyền vi sinh, sự xuất hiện của rất nhiều biến thể (biến chủng) XBB cho thấy khả năng tiến hóa của virus SARS-CoV-2 đã đi vào ngõ cụt và ít có khả năng gây các biến thể mới nguy hiểm.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có công cụ giám sát dịch Covid-19 chặt chẽ, nhanh chóng tìm ra biến thể mới, ít bị bất ngờ trước Covid-19 như trước. Số ca tử vong và bệnh nặng do Covid-19 đã giảm rất nhiều và thấp hơn so với các vấn đề sức khỏe khác.

“Trong dịp lễ vừa qua chúng ta thấy có sự bùng phát nhẹ của Covid-19 nhưng chỉ gây tử vong 17 người, chủ yếu là người cao tuổi và mắc nhiều bệnh nền. Do đó, hiện nay, việc phòng ngừa Covid-19 nên là trách nhiệm của cá nhân nhiều hơn là trách nhiệm của nhà nước. Đương nhiên vai trò của nhà nước và ngành y tế vẫn là đưa ra các thông tin đúng đắn, khuyến khích người dân thực hiện tốt việc phòng bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ phòng ngừa và điều trị covid-19 và quan tâm bảo vệ những người có nguy cơ cao”, ông Dũng bày tỏ.

Cùng quan điểm này, Phó Giáo sư Trần Đắc Phu cho hay, việc xếp bệnh Covid-19 vào nhóm B hay vẫn duy trì ở nhóm A sẽ do Hội đồng chuyên môn họp, đánh giá, xem xét. Tuy nhiên, dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng.

Điều này giúp Việt Nam kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ. Dựa trên đánh giá nguy cơ của từng giai đoạn, từng thời kỳ, Việt Nam có phương án kiểm soát dịch một cách bền vững, không tốn kém, lãng phí nhưng phải đủ nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh cũng như bảo đảm được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân.

Hiện số ca mắc mới Covid-19 ở Việt Nam đang tăng trở lại, kéo theo số trường hợp nhập viện và tử vong tăng. Tuy vậy, tình hình dịch vẫn được kiểm soát. Dựa trên những con số thống kê cho thấy, dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang ở mức độ 1.

Hiện đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch...

Theo nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày