Thứ 7, 11/01/2025, 17:00[GMT+7]

Đồng hành để người bệnh thoát khỏi “cái chết trắng”

Thứ 6, 14/07/2023 | 23:19:26
3,600 lượt xem
Đóng góp vào công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có vai trò thầm lặng của các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần Thái Bình, trong đó có bác sĩ Phùng Thị Minh Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện. Vừa qua, tại Hà Nội, bác sĩ Thuận vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến được tôn vinh trong công tác phòng, chống ma túy, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Bác sĩ Phùng Thị Minh Thuận khám cho người bệnh.

Dễ bị tấn công khi khám, xác định nghiện
Là cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, từ năm 2018, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình đã thành lập đội khám, xác định nghiện gồm các bác sĩ sau đại học chuyên ngành tâm thần, kỹ thuật viên, trong đó bác sĩ Phùng Thị Minh Thuận được giao trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác khám, xác định nghiện. Thực hiện nhiệm vụ được giao, bác sĩ Thuận cùng các thành viên trong đội đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong tỉnh triển khai khám, xét nghiệm, làm hồ sơ bệnh án theo dõi, quản lý, xác định các trường hợp nghiện ma túy. Việc khám, xác định nghiện được thực hiện bất kể thời điểm nào trong ngày nhằm nhanh chóng đưa ra kết quả chính xác, khách quan, trung thực.

Bác sĩ Phùng Thị Minh Thuận chia sẻ: Hiện nay có nhiều loại ma túy tự nhiên, ma túy bán tổng hợp và ma túy tổng hợp. Tất cả đều có một đặc điểm chung là khi đưa vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái nhận thức và sinh lý của con người. Khi các đối tượng được lực lượng công an đưa đến, chúng tôi sẽ tiến hành khám, khai thác tiền sử bệnh tật, xét nghiệm... Tuy nhiên, việc khám, xác định nghiện không đơn giản do các đối tượng chủ yếu ở độ tuổi trẻ bị rối loạn nhân cách, trong đó có các dân chơi, thậm chí là người có tiền án, tiền sự nên thường không hợp tác với các bác sĩ, nhân viên y tế mà chống đối. Bên cạnh đó, hiện nay các đối tượng thường dùng dạng ma túy tổng hợp, tạo ảo giác mạnh, không gây ra hội chứng cai. Nhiều dạng ma túy mới không sử dụng qua đường chích mà chủ yếu là uống, hít nên khó phát hiện hơn. Nhiều trường hợp còn tinh vi sử dụng thêm chất khác để tạo kết quả xét nghiệm âm tính giả... Sau khi sử dụng ma túy tổng hợp, các đối tượng thường có các triệu chứng như rối loạn tâm thần, ảo giác, hoang tưởng nên rất dễ bị kích động, tấn công bất ngờ, gây thương tích cho người khác, kể cả các bác sĩ, nhân viên y tế. Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ này các bác sĩ cũng dễ bị tấn công. Song, với sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc và cương quyết của cơ quan công an, Bệnh viện đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2018 - 2022, Bệnh viện đã khám, xác định nghiện cho gần 1.500 đối tượng, trong đó đa phần là các đối tượng công an đưa đến, số ít là tự nguyện hoặc gia đình yêu cầu. Hiện tại, việc khám, xác định nghiện có thể được thực hiện ở cơ sở y tế các tuyến, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình thực hiện khám lâm sàng và căn cứ vào kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế tuyến dưới để đưa ra kết luận.

Tận tâm vì người bệnh
Với bác sĩ Thuận, người nghiện cũng như các bệnh nhân khác, đã vào Bệnh viện điều trị là không phân biệt, kỳ thị. Vì thế, khi chăm sóc, điều trị cho người bệnh, bác sĩ luôn tận tâm, trách nhiệm. So với bệnh nhân mắc các bệnh lý thông thường, việc chăm sóc, điều trị cho người nghiện không đơn giản, cần sự kiên trì, nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Bởi phần lớn bệnh nhân nhập viện đã ở tình trạng nặng, có hành vi rối loạn tâm thần. Vì thế, người bệnh thường có ảo giác dễ kích động, chống đối, thậm chí tấn công cán bộ y tế bất cứ lúc nào. Với những bệnh nhân mới vào điều trị thì càng nguy hiểm hơn do họ bị loạn thần, luôn nghĩ có người đang đuổi bắt, tấn công mình nên luôn tìm cách chống trả. Thường những ngày đầu vào điều trị, các bác sĩ, nhân viên y tế phải tạm cố định người bệnh để tiêm hay cho uống thuốc... Bên cạnh đó, có bệnh nhân luôn tìm cách bỏ trốn khỏi Bệnh viện. Ngoài rối loạn hành vi, nhiều bệnh nhân nghiện ma túy còn kèm theo các bệnh lý như giang mai, lậu, viêm gan, HIV... Nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra nếu cán bộ, nhân viên y tế không thực hiện tốt việc phòng lây nhiễm. Thế nhưng, vượt qua khó khăn, bằng nỗ lực của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện, từ năm 2018 đến nay hơn 950 trường hợp nghiện ma túy đã được điều trị ổn định, trong đó có trường hợp khỏi.

Bác sĩ Thuận chia sẻ: Tùy theo tình trạng bệnh, bệnh nhân nghiện ma túy được bố trí điều trị ở các khoa khác nhau. Bệnh nhân nghiện ma túy quá trình điều trị lâu dài, mất nhiều thời gian do đã bị tổn thương não. Để cắt chứng loạn thần, hoang tưởng, ảo giác là rất khó vì nhiều người đã sử dụng ma túy liều cao. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể cai nghiện nếu quyết tâm cao, phối hợp điều trị tốt. Ngoài sự chăm sóc của bác sĩ, gia đình có vai trò rất quan trọng. Sự quan tâm, động viên, đồng hành sát sao của gia đình sẽ giúp người bệnh vượt lên. Người bệnh sau khi điều trị, cắt cơn, họ lại hòa nhập và tiếp xúc với những người xung quanh như bình thường.

Ông Đ.Q.Đ có con đang điều trị tại Khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình cho biết: Không may con tôi sa ngã vào con đường nghiện ngập, gia đình rất buồn. Vào Bệnh viện điều trị, được sự quan tâm, động viên của các bác sĩ, nhân viên y tế, trong đó có bác sĩ Thuận, gia đình chúng tôi cũng vơi bớt nỗi buồn, tập trung phối hợp chăm sóc cho cháu. Sau khi xuất viện, gia đình sẽ tiếp tục động viên, chăm sóc để cháu cai nghiện thành công.

Ngoài thực hiện khám, xác định nghiện, điều trị, trên cương vị Phó Giám đốc chuyên môn, bác sĩ Phùng Thị Minh Thuận luôn làm tốt các nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm, nhiệt huyết vì người bệnh nói chung, bệnh nhân nghiện ma túy nói riêng, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội, bác sĩ Thuận và cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tâm thần Thái Bình xác định luôn đặt nhiệm vụ chăm sóc người bệnh lên hàng đầu, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Hoàng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày