Thứ 7, 11/01/2025, 15:56[GMT+7]

Không chủ quan với sốt xuất huyết

Thứ 2, 31/07/2023 | 08:57:05
2,853 lượt xem
Gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại một số tỉnh, thành phố có xu hướng gia tăng. Tại Thái Bình, SXH không có diễn biến bất thường; các ca bệnh vẫn ghi nhận rải rác ở một số địa phương. Tuy nhiên, nhiều ca mắc SXH đã phải nhập viện điều trị, trong đó có trường hợp bị giảm tiểu cầu.

Nhân viên y tế điều tra chỉ số bọ gậy, muỗi tại khu vực từng ghi nhận ca mắc trên địa bàn huyện Hưng Hà.

Ghi nhận 41 ca mắc SXH từ đầu năm đến nay
Mới đây, tại xã Thống Nhất (Hưng Hà) ghi nhận 3 ca mắc SXH nội sinh, trong đó 2 ca ở một gia đình. Các bệnh nhân ở cạnh nhà nhau và đều có biểu hiện sốt cao từng cơn, đau đầu dữ dội, đau cơ xương khớp, mệt mỏi, chán ăn. Sau khi mua thuốc tự điều trị ở nhà không đỡ, 3 bệnh nhân đã đến các cơ sở y tế trên địa bàn huyện khám, điều trị. Y sĩ Trần Thị Hướng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thống Nhất cho biết: Ngay khi có thông tin về ca bệnh, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động. Cùng với tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh SXH, cán bộ trạm đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà giám sát tại gia đình, thôn Đa Phú II; đồng thời, lập danh sách các trường hợp nghi mắc và xin cấp hóa chất, vận động người dân tổng vệ sinh môi trường... Chúng tôi xác định không thể chủ quan, lơ là vì đây là những ca mắc nội sinh, đã có sự lây lan. Nếu không quyết liệt có thể sẽ lây lan, bùng phát dịch SXH. Vì thế, thời gian tới, Trạm Y tế xã sẽ tiếp tục tham mưu, triển khai nhiều hoạt động như: tiếp tục tuyên truyền phòng bệnh, vệ sinh môi trường, thường xuyên giám sát dịch bệnh...

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay Thái Bình đã ghi nhận 41 ca mắc SXH, trong đó có 22 ca nội sinh. Nếu tháng 1/2023 toàn tỉnh ghi nhận 9 ca mắc, sau đó giảm dần thì đến tháng 6 số ca mắc lại tăng lên 9 ca và tháng 7 là 10 ca. Thành phố Thái Bình ghi nhận nhiều nhất với 9 ca, huyện Hưng Hà 7 ca, các huyện khác rải rác 3 - 5 ca.

Một số ca bệnh nặng, bị giảm tiểu cầu
Gần đây, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 1 trường hợp bị SXH có địa chỉ tại xã Thái Phương (Hưng Hà). Bệnh nhân hiện đang là sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sau khi bạn cùng phòng mắc SXH, có triệu chứng sốt, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, được chẩn đoán mắc SXH và chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Bệnh nhân chia sẻ: Bạn cùng phòng cũng bị nhưng triệu chứng nhẹ vì thế em cũng chủ quan. Tuy nhiên, khi sốt li bì, đau bụng uống thuốc không đỡ em rất lo lắng nên gọi điện cho gia đình lên Hà Nội đưa đi khám. Sau khi khám ở Bệnh viện Bạch Mai, ngày 10/7 gia đình cho về Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhập viện điều trị. Trong quá trình điều trị, có những lúc em sốt cao, nghi giảm tiểu cầu. Đến nay sức khỏe của em đã ổn định, được xuất viện. Khi chưa bị SXH em không nghĩ lại có thể nặng như vậy. Từ sự việc của mình em mong mọi người hãy luôn giữ gìn sức khỏe, không chủ quan với SXH.

Bác sĩ Vũ Thị Sấu, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hàng tháng chúng tôi vẫn tiếp nhận rải rác ca mắc SXH vào điều trị. Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, sốt liên tục kèm theo đau đầu, đau mỏi cơ xương khớp, đau bụng, buồn nôn và xuất huyết dưới da. Một số bệnh nhân còn có triệu chứng chảy máu chân răng, chảy máu mũi. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp rất chủ quan, tưởng chỉ sốt virus thông thường nên không đi khám, đến khi có biểu hiện rất nặng như mệt lử, đi tiểu ra máu, chảy máu cam không cầm được, đau bụng nhiều và tràn dịch màng phổi, màng bụng thì mới nhập viện. Lúc đó kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng tiểu cầu rất thấp và có hiện tượng cô đặc máu, rất dễ dẫn đến sốc, chảy máu, rối loạn đông máu... đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Hiện nay Bệnh viện vẫn đáp ứng đủ các loại thuốc uống, dịch truyền (bao gồm cả dung dịch cao phân tử) cho bệnh nhân SXH nặng song vẫn chưa có tiểu cầu khối để truyền cho bệnh nhân khi tiểu cầu giảm sâu. Những bệnh nhân này sẽ được chuyển lên tuyến trên để điều trị tiếp.

Dù SXH trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát song khi phát hiện có ca mắc mới, các hoạt động phòng, chống dịch nhanh chóng được triển khai tại các địa phương. Tuy nhiên, không thể chủ quan, lơ là bởi tại một số tỉnh, thành phố SXH đang diễn biến phức tạp với số ca mắc mới cao. Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình SXH có xu hướng tăng trong 4 tuần gần đây. Do đó, bác sĩ Vũ Thị Sấu khuyến cáo: Thời điểm này mưa nắng thất thường, muỗi phát triển nhiều là điều kiện thuận lợi cho bệnh SXH lưu hành và có nguy cơ phát triển thành dịch. Hiện chưa có vắc-xin phòng SXH. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phát quang bụi rậm, không để các vật dụng chứa nước quanh nhà và mắc màn khi ngủ... Nếu có dấu hiệu sốt thì nên đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày