Thứ 7, 11/01/2025, 13:11[GMT+7]

3 mục tiêu, giải pháp cụ thể, đồng bộ trong chiến lược quốc gia PCTHCTL đến năm 2030

Thứ 4, 16/08/2023 | 08:33:26
3,641 lượt xem
Theo Bộ Y tế, những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm thế hệ mới được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc môi trường làm việc không khói thuốc.

Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) còn diễn ra tương đối phổ biến, điển hình là vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCTHCTL chưa được thực hiện thường xuyên; dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đã triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công tác PCTHCTL; công tác phối hợp liên ngành trong PCTHCTL còn hạn chế và chưa được quan tâm tại các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở khắp mọi nơi, giá rẻ, thuế thấp cũng là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá.

Ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về PCTHCTL đến năm 2030 với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả công tác PCTHCTL.

Chiến lược quốc gia về PCTHCTL đến năm 2030 đặt mục tiêu chung: “giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra”. Các mục tiêu cụ thể được xây dựng để phù hợp với các giai đoạn thực hiện chiến lược. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đạt được các mục tiêu cụ thể sau:

1. Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%;

2. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%;

3. Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Để đạt được các mục tiêu, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung một số nhiệm vụ quan trọng như:

Thứ nhất, ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong thanh thiếu niên, qua đó trực tiếp hạn chế nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác, các chất ma túy thông qua hình thức này.

Thứ hai, đó là chính sách tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá, phát triển các dịch vụ tư vấn và điều trị cai nghiện.

Thứ ba, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, kiểm tra, xử phạt vi phạm về PCTHCTL.

Thứ tư, tăng cường, đổi mới, đa dạng hình thức truyền thông PCTHCTL; đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về PCTHCTL tại các cơ sở giáo dục...

Hoàng Thía
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày