Chủ nhật, 24/11/2024, 14:42[GMT+7]

Thêm một biến chủng nCoV được WHO theo dõi

Thứ 6, 18/08/2023 | 10:53:57
2,394 lượt xem
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi biến chủng phụ mới của Omicron là BA.2.86, tên gọi khác là Pi.

Mô phỏng nCoV với phần gai protein bên ngoài.

Biến chủng đã xuất hiện ở Đan Mạch, Israel và Mỹ. Theo tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật phản ứng Covid-19 của WHO, thông tin về BA.2.86 còn hạn chế, song nó chứa lượng đột biến lớn, cần giám sát chặt chẽ và giải trình tự gene virus.

Các nhà khoa học cho biết BA.2.86 mang hơn 30 đột biến trong protein gai - phần virus dùng để bám vào tế bào. Theo Vipin M. Vashishtha, chuyên gia về vaccine của WHO, BA.2.86 có mức độ liên kết với thụ thể ACE2 của vật chủ cao tương tự như XBB.1.5, thoát khỏi hệ miễn dịch tốt hơn XBB.1.5.

Tuy nhiên, chưa rõ liệu BA.2.86 có lây lan hiệu quả hơn các phiên bản Omicron trước đó hay không. Một số chuyên gia lo ngại biến chủng này có thể gây ra làn sóng lây nhiễm mới. Tuy nhiên, số khác cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận. Mức độ miễn dịch của cộng đồng vẫn cao và virus đã bớt nguy hiểm theo thời gian.

Tiến sĩ Trisha Greenhalgh, chuyên gia tại Đại học Oxford, khuyến nghị người dân đeo khẩu trang trở lại để phòng ngừa đợt bùng phát tiếp theo. Còn giáo sư Christina Pagel, Đại học London, cho biết tác dụng bảo vệ của vaccine giảm dần đối với người dưới 50 tuổi (phần lớn chưa tiêm thêm mũi nào trong 18 tháng qua) và những người dưới 75 tuổi đã tiêm lần cuối vào năm ngoái. Vì vậy, người dân sẽ dễ bị tổn thương trước các biến chủng mới, khuyên người dân tiêm vaccine nhắc lại.

Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy biến chủng mới gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Biểu hiện thường thấy vẫn là sốt cao, ho, đau nhức cơ thể, một số người mất vị giác và khứu giác, song không phổ biến bằng giai đoạn trước của đại dịch.

Các chuyên gia nhận định khi Covid-19 trở thành mầm bệnh đặc hữu, các biến chủng mới có thể xuất hiện theo thời gian. Gần đây, WHO đang theo dõi dòng phụ của Omicron là EG.5.1. Biến chủng dần áp đảo các phiên bản virus khác ở Anh và Mỹ, khiến tỷ lệ lây nhiễm và nhập viện tăng trong thời gian gần đây.

WHO yêu cầu các quốc gia tiếp tục theo dõi khi số ca nhiễm tăng trên toàn cầu. EG.5 xuất hiện tại 51 nước, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Chủng Omicron xuất hiện trên thế giới đã hơn 20 tháng, hiện lưu hành ở hầu hết các nước và chiếm ưu thế. Chủng này liên tục biến đổi. Đến nay các nhà khoa học ghi nhận hơn 500 biến chủng phụ của Omicron, đều có đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.

Theo vnexpress.net