Chủ nhật, 24/11/2024, 13:47[GMT+7]

Phát huy hiệu quả vườn thuốc nam mẫu tại trạm y tế

Thứ 4, 06/09/2023 | 08:22:07
4,208 lượt xem
Mang nhiều giá trị, công dụng chữa bệnh, vườn thuốc nam mẫu được cán bộ, nhân viên các trạm y tế trong tỉnh chăm sóc, bảo tồn. Tuy nhiên, có nơi “nguồn dược liệu quý” này chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.

Các loại cây thuốc nam được trồng tại Trạm Y tế xã Bình Minh (Kiến Xương).

Nhiều bài thuốc quý từ cây thuốc nam

Vườn cây thuốc nam của Trạm Y tế xã Bình Minh (Kiến Xương) có khoảng 40 cây thuốc thuộc các nhóm như: chữa bệnh xương khớp, mụn nhọt, cảm sốt, tiêu chảy, đường ruột, ho, viêm họng... Việc chăm sóc được cán bộ Trạm Y tế xã thực hiện thường xuyên. 

Y sĩ y học cổ truyền Phạm Thị Tám, Trạm Y tế xã cho biết: Việc chăm sóc vườn thuốc nam được thực hiện theo định kỳ hoặc thời tiết. Do thời tiết hoặc sâu bệnh, cây có thể chết, vì thế, chúng tôi thường xuyên bổ sung các cây thuốc mới. Để sử dụng hiệu quả vườn thuốc nam, chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Ví dụ, với trẻ ho hoặc bị viêm đường hô hấp trên thì dùng quất non hấp với mật ong. Ở đây, người dân hay dùng quất non, húng chanh, mía tía, trinh nữ hoàng cung... chữa bệnh. Dùng thuốc nam hiệu quả, giá rẻ và ít tác dụng phụ.

Nhà gần Trạm Y tế xã nên khi bị ốm bà Phạm Thị Bình, xã Bình Minh lại đến Trạm để khám, tư vấn sức khỏe. Bà Bình chia sẻ: Bị cúm, ho, đau họng..., tôi thường đến Trạm khám. Tại đây, có lúc cán bộ Trạm Y tế xã hướng dẫn, tư vấn tôi dùng thuốc nam để điều trị. Tôi hay xin mía tím, xạ đen để về uống cho mát; thỉnh thoảng cũng xin một số cây về trồng. Dùng thuốc nam tôi thấy yên tâm, hiệu quả, có khi không mất tiền mua mà lại đỡ phải dùng thuốc tây.
Từ lâu, các bài thuốc nam vốn được nhiều người lựa chọn bởi hiệu quả trị bệnh, ít gây tác dụng phụ, dễ tìm, dễ trồng và giá thành rẻ. Song không phải ai cũng biết hết công dụng của các cây thuốc này. Do đó, để người dân tin tưởng, biết cách sử dụng cần sự tuyên truyền, hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ y tế ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, quan tâm, đầu tư vườn thuốc nam cũng cần được chú trọng để nhân rộng hơn nữa, không chỉ ở vườn thuốc nam mẫu của các trạm mà còn ở cả vườn nhà.
 
Cần nhiều nỗ lực để “thầy tại nhà, thuốc tại vườn”

Vườn thuốc nam là một trong những tiêu chí bắt buộc khi chấm điểm xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Vì thế, việc bảo tồn, phát triển các cây dược liệu quý tại vườn thuốc nam được nhiều trạm y tế quan tâm, chú trọng. Song vẫn còn có trạm chưa thực sự quan tâm đúng mức đến hiệu quả của vườn thuốc nam mẫu. Có thời điểm, có vườn thuốc nam dường như bị “bỏ quên”, thiếu sự chăm sóc hoặc được trồng xen cả rau, để cỏ mọc nhiều. Một số vườn không đủ số lượng cây thuốc theo quy định. Cùng với đó, do một số trạm thiếu nhân lực y học cổ truyền và trang thiết bị y tế nên mới chỉ có cây thuốc mẫu, chưa thể sơ chế thành thuốc nguyên liệu để đưa vào sử dụng. Nhiều người dân muốn xin và trồng cây thuốc nam song chưa hiểu hết công dụng chữa bệnh...

Để các bài thuốc hay không bị quên lãng, cây thuốc nam không bị mai một, nhiều tỉnh, thành phố đã phát triển các vùng trồng cây dược liệu. Tại Thái Bình, tỉnh cũng đang quyết tâm triển khai dự án khu công nghiệp dược - sinh học. Bên cạnh đó, trong kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành, việc phát triển nguồn dược liệu ở địa phương cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện. Cụ thể, để phát triển nguồn dược liệu, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích trồng cây thuốc nam tại các đơn vị y tế, vườn và nhà của người dân. Duy trì, phát triển vườn thuốc mẫu theo nhóm bệnh với các mẫu cây thuốc để giới thiệu, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc nam chữa bệnh thông thường. Xây dựng các vùng trồng, chế biến dược liệu theo hướng công nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu tại chỗ phục vụ công tác khám chữa bệnh và xuất khẩu; đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh tác dụng, ứng dụng các phương thức chẩn trị, điều trị không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền. Hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc gia truyền...

Vườn cây thuốc nam của Trạm Y tế xã Thụy Văn (Thái Thụy).



Hoàng Lanh