Thứ 7, 11/01/2025, 09:18[GMT+7]

Điều trị PrEP - giảm nguy cơ lây nhiễm HIV

Thứ 5, 07/09/2023 | 09:38:47
2,732 lượt xem
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus (PrEP) được xem là giải pháp chiến lược phòng lây nhiễm HIV cho những người có nguy cơ cao. Tại Thái Bình, ngành y tế đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị, tổ chức triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV thông qua việc điều trị PrEP.

Người có nguy cơ cao nhiễm HIV được tư vấn điều trị PrEP.

Điều trị PrEP được thực hiện tại Thái Bình từ tháng 5/2020. Tính đến hết tháng 6/2023 đã có gần 1.140 người nguy cơ cao lây nhiễm HIV thuộc các nhóm: nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), gái mại dâm, chích ma túy, bạn tình của người nhiễm HIV, người chuyển giới... tham gia điều trị. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 380 khách hàng mới điều trị. Toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở thực hiện điều trị PrEP gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và cơ sở tư nhân là Phòng khám điều trị PrEP Hồng Đức (thành phố Thái Bình). Dù mới đi vào hoạt động từ năm 2022 song Phòng khám điều trị PrEP Hồng Đức đã tiếp nhận gần 800 trường hợp nguy cơ cao nhiễm HIV đến khám, điều trị. Các trường hợp đến khám tại các cơ sở rất đa dạng, ở nhiều lứa tuổi và các tỉnh, thành phố khác nhau, trong đó chủ yếu là trẻ tuổi và nam quan hệ tình dục đồng giới.

Khi đến các cơ sở y tế, người có nguy cơ cao nhiễm HIV sẽ được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn, đánh giá nguy cơ, làm các xét nghiệm. Bác sĩ Vương Đức Tiện, phụ trách chuyên môn Phòng khám điều trị PrEP Hồng Đức chia sẻ: Việc điều trị PrEP được thực hiện theo 2 phương pháp, đó là điều trị hàng ngày và điều trị theo tình huống. Sau khi khám đánh giá lần đầu, người có nguy cơ nhiễm HIV cao sẽ được làm các xét nghiệm cơ bản, test nhanh nếu kết quả âm tính với HIV thì được chỉ định cấp thuốc ARV, tuân thủ uống đều mỗi ngày 1 viên. 1 tháng sau sẽ tái khám lần 1. Tái khám 2 - 3 tháng/lần. Đến tái khám lần 4, các bác sĩ sẽ làm lại xét nghiệm định kỳ, tư vấn đánh giá quá trình tham gia điều trị. Với PrEP tình huống, người có nguy cơ cao sử dụng thuốc ARV theo công thức 2+1+1+1 trước khi có yếu tố nguy cơ và được tư vấn sử dụng dịch vụ.

Hiện nay, hiệu quả của việc điều trị PrEP đã khẳng định. Thực hiện uống thuốc đều đặn và thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm HIV tới hơn 90%. Tại Thái Bình, nhiều trường hợp đã được điều trị PrEP hiệu quả. Qua theo dõi chưa ghi nhận có trường hợp nào dừng điều trị do tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, quá trình triển khai điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân trong nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỷ lệ duy trì điều trị của các trường hợp nguy cơ cao còn thấp vì nhiều nguyên nhân như: Thay đổi chỗ ở, nơi làm việc, không tái khám vì chưa sắp xếp được thời gian, chủ quan thấy không còn nguy cơ lây nhiễm... Ngoài ra, việc tiếp cận với các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm HIV còn khó khăn do tâm lý e ngại, sợ bị kỳ thị. Việc điều trị PrEP cần phải thực hiện thường xuyên, uống thuốc đúng, đều theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không tuân thủ sẽ khó đạt được hiệu quả điều trị. Trên thực tế đã có trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV sau khi bỏ điều trị PrEP.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh có 25 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2023. So với 6 tháng đầu năm 2021, số ca nhiễm HIV mới được phát hiện giảm 2 ca. Song điều này cho thấy, vẫn có những trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, trong đó có người thuộc các nhóm nguy cơ cao. Để việc điều trị PrEP đạt hiệu quả cao, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người có nguy cơ cao nhiễm HIV hiểu được tầm quan trọng của việc điều trị PrEP; đồng thời tập trung triển khai các giải pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao, nhất là nhóm MSM và mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ cao.

Người có nguy cơ cao nhiễm HIV được lấy mẫu xét nghiệm.



Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày