Chủ nhật, 24/11/2024, 13:58[GMT+7]

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc sốt xuất huyết

Thứ 7, 09/09/2023 | 09:07:46
2,862 lượt xem
Dịch bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh chủ động phòng bệnh, việc phát hiện, điều trị sớm và chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết có ý nghĩa quan trọng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể dùng nước dừa hoặc nước trái cây khác.

Có nên uống nước dừa thay cơm?

Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được bổ sung đủ nước và các chất điện giải. Do đó, nhiều người cho rằng nước dừa là loại nước uống rất tốt cho người mắc sốt xuất huyết, uống càng nhiều càng tốt để mau phục hồi cơ thể. Bác sĩ CKI. Dương Ngọc Vân (Bệnh viện Medlatec) cho biết: “Nước dừa là một loại nước giải khát tuyệt vời đối với người bệnh, bởi đó là loại nước tự nhiên giàu khoáng chất và chất điện giải. Hơn nữa, nước dừa vô cùng ngon, dễ uống. Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể dùng nước dừa hoặc nước trái cây khác hoặc uống oresol”.

Theo nghiên cứu, nước dừa tự nhiên chứa đường, chất béo, acid amin, acid hữu cơ và các enzyme, các vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, vitamin C... Các khoáng chất có trong nước dừa như kali, natri, canxi, magiê, selen, đồng, kẽm... rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào. Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải, giúp tối ưu hóa hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ và điều tiết chất lỏng, giúp bổ sung và bù nước cho cơ thể.

Song, tuy nước dừa là loại nước uống bổ dưỡng và dễ uống hơn so với oresol, nhưng cũng không thể “uống nước dừa thay cơm” bởi lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố bệnh lý của cơ thể.

Ngoài bổ sung đủ lượng nước, bệnh nhân sốt xuất huyết cần lượng protein cao để phục hồi nhanh chóng. Vì vậy, trong chế độ ăn của người bệnh, không thể “uống nước dừa thay cơm” mà cần tăng cường thực phẩm giàu protein như trứng, thịt, cá, sữa...; bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà...) để tăng sức đề kháng cho cơ thể; bổ sung chất điện giải từ các loại nước trái cây khác hoặc oresol...

Cân bằng dinh dưỡng giúp sức khỏe phục hồi

Khi bị ốm, chúng ta ăn không cảm thấy ngon miệng. Do đó, các món ăn nên được nấu dưới dạng lỏng và mềm, như cháo, súp để người bệnh sốt xuất huyết dễ ăn và dễ hấp thu hơn. Người chăm sóc nên cho bệnh nhân ăn ít một, chia làm nhiều bữa trong ngày. Các bữa phụ có thể uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết không nên ăn kiêng quá nhiều, thay vào đó nên cân bằng đầy đủ dinh dưỡng. Dù vậy, bên cạnh những món ăn nên đưa vào khẩu phần ăn, bệnh nhân cần tránh các loại thực phẩm tác động xấu đến quá trình hồi phục.

Những món ăn dầu mỡ, thực phẩm nhiều chất béo sẽ tác động xấu đến cơ thể, gây ra tình trạng tăng cholesterol và cao huyết áp. Điều này làm quá trình hồi phục bị ảnh hưởng và làm suy yếu hệ miễn dịch. Ngoài ra, việc nạp nhiều thức ăn dầu mỡ còn gây khó tiêu hóa, dẫn đến hệ tiêu hóa gặp vấn đề.

Người bị sốt xuất huyết không nên dùng đồ cay nóng để tránh tích tụ nhiều acid ở dạ dày, gây loét thành mạch máu. Những thương tổn này ảnh hưởng xấu tới quá trình điều trị bệnh và hồi phục sức khỏe.

Người bệnh không nên uống các loại nước gas, chứa caffeine sẽ làm cơ bắp bị suy nhược, cơ thể mệt mỏi... không còn sức đề kháng đề đối phó với bệnh. Người bệnh nên tránh các thức ăn, đồ uống có màu đỏ sẫm như tiết, củ dền... Những thực phẩm này dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.

Đối với trẻ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú như bình thường. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm, cha mẹ nên nấu đa dạng nhiều món ăn, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt...; cần cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa (cháo, súp, sữa)... Ngoài bữa ăn chính, nên cho trẻ uống thêm sữa, nước cam hoặc sinh tố để bổ sung vitamin và khoáng chất.

Bác sĩ Dương Ngọc Vân cho biết: “Người bị sốt xuất huyết thường sốt cao khiến tình trạng mất nước trầm trọng hơn. Do đó, có thể cung cấp thêm cho bệnh nhân nước lọc, nước dừa, oresol... Tuy nhiên, khi chưa có yêu cầu của bác sĩ thì không được tự ý truyền nước. Bệnh nhân không dùng thuốc hạ sốt, giảm đau bừa bãi bởi việc dùng các loại thuốc này có thể tác động xấu đến sức khỏe và khiến bệnh trở nên nặng hơn”.

Sau khi đã qua giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân vẫn còn triệu chứng mệt mỏi, do đó cần tiếp tục ăn uống đủ dinh dưỡng, nhất là thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất; tập thể dục, ngủ nghỉ điều độ để nâng cao sức khỏe, sớm hồi phục.

Theo hanoimoi.com.vn