Chủ nhật, 24/11/2024, 08:39[GMT+7]

Phòng, điều trị bệnh đau mắt đỏ, tránh những biến chứng về mắt

Thứ 5, 28/09/2023 | 09:57:34
2,925 lượt xem
Số ca mắc, ca đến khám, điều trị đau mắt đỏ tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có Thái Bình đang có xu hướng gia tăng. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến thị lực sau này. Để người dân biết cách phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ hiệu quả, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Lương Tuấn Thiện, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt Thái Bình.

Người dân đến khám đau mắt đỏ tại cơ sở y tế.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay? Tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Thái Bình và nguyên nhân khiến số ca đau mắt đỏ tăng nhanh?
Bác sĩ chuyên khoa II Lương Tuấn Thiện: Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Thái Bình, tỷ lệ bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú do đau mắt đỏ thời gian gần đây tăng. Cụ thể, nếu như 3 tháng đầu năm 2023, số ca đau mắt đỏ chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%/tổng số bệnh nhân khám, điều trị; từ tháng 4 - 7 dao động khoảng 15 - 20%; tháng 8 là hơn 30% thì từ đầu tháng 9 đến nay, số ca đau mắt đỏ chiếm 40 - 60%. Nguyên nhân khiến số ca đau mắt đỏ tăng nhanh là do bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp và dịch tiết của người bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 5 ngày, trong thời gian này có thể làm lây nhiễm cho người khác. Triệu chứng của người bệnh, với trẻ nhỏ có biểu hiện ở đường hô hấp, ho, sốt trước còn người lớn thì biểu hiện nhẹ hơn.

Phóng viên: Khi nào bệnh nhân phải đến cơ sở y tế, trường hợp nào có thể điều trị tại nhà, việc điều trị tại Bệnh viện Mắt Thái Bình được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ chuyên khoa II Lương Tuấn Thiện: Bệnh đau mắt đỏ rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác bởi có nhiều nguyên nhân gây đỏ mắt. Mắt đỏ có thể là do viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn... Mỗi bệnh có những hướng điều trị khác nhau, không điều trị đúng sẽ ảnh hưởng đến thị lực sau này. Nếu có triệu chứng đỏ mắt người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để điều trị đúng, kịp thời. Qua thăm khám, tùy theo mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Ở thể nhẹ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị tại nhà. Tại Bệnh viện Mắt Thái Bình, hàng ngày tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến khám song chỉ trường hợp nặng mới chỉ định nhập viện điều trị. Sau khi nhập viên, bệnh nhân sẽ được điều trị theo triệu chứng bệnh.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, khi điều trị tại nhà người bệnh cần phải làm gì? Người bệnh có được tự ý mua thuốc, xông trầu không hay đắp lá?
Bác sĩ chuyên khoa II Lương Tuấn Thiện: Khi điều trị tại nhà, bệnh nhân phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, thực hiện vệ sinh mắt, có chế độ cho mắt nghỉ ngơi. Bệnh hiện chưa có thuốc phòng, điều trị đặc hiệu. Vì thế, đối với người đã bị bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, cố gắng giữ vệ sinh chung, tránh để dịch tiết lây ra ngoài môi trường, không tự ý mua thuốc hay tiêm, không dùng chung lọ thuốc tra mắt với người khác vì có nhiều chủng virus gây đau mắt đỏ khiến bệnh lây chéo. Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến cáo người dân không tự ý mua thuốc điều trị khi thấy mắt bị đỏ. Bởi đỏ mắt có thể không phải đau mắt đỏ mà do bệnh khác, điều trị sai bệnh có thể khiến bệnh nặng hơn, gây ảnh hưởng thị lực sau này. Ngoài ra, người dân không tự ý xông trầu không hay đắp lá, điều này có thể khiến tình trạng viêm nặng hơn, khó điều trị, chúng tôi cũng đã gặp một số trường hợp bị nhiễm trùng nhãn cầu phải bỏ mắt.

Phóng viên: Để phòng bệnh người dân cần làm gì? Với địa phương, đơn vị đã ghi nhận các ca mắc cần làm gì để hạn chế sự lây lan, thưa bác sĩ?
Bác sĩ chuyên khoa II Lương Tuấn Thiện: Để phòng bệnh, mỗi người dân cần nâng cao ý thức về dịch bệnh đau mắt đỏ. Người bị bệnh nên nghỉ tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh làm tăng nguy cơ lây bệnh. Người chưa mắc bệnh không nên kỳ thị đối với người bệnh, cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng. Khi đến nơi công cộng nên đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh sát khuẩn tay. Các địa phương cần chủ động công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ, hướng dẫn về cách phòng bệnh, những biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị đúng cách, kịp thời; đồng thời có biện pháp chủ động phòng lây nhiễm, tránh để dịch bệnh lây lan.  

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Bệnh nhân đau mắt đỏ điều trị tại Bệnh viện Mắt Thái Bình. 

Hoàng Lanh

(thực hiện)