Thứ 6, 25/04/2025, 10:37[GMT+7]

Thuốc bôi ngoài da tác dụng như thế nào?

Thứ 5, 18/07/2013 | 09:54:20
1,090 lượt xem
Khi bôi thuốc ngoài da, thuốc có thể làm tăng cường hay hạn chế, thậm chí cản trở sự bốc hơi nước qua da. Có loại thuốc lại làm tăng diện tích tiếp xúc của da, giúp bốc hơi nước qua da dễ dàng hơn, làm mát da, chống sự ngưng tụ máu, giảm viêm. Ngược lại có loại thuốc bôi làm bít da, hạn chế bốc hơi mồ hôi, làm tăng sung huyết da.

Thuốc bôi ngoài da ảnh hưởng tới tuần hoàn da, gây giãn mạch hoặc co mạch. Tuỳ theo dạng thuốc và tá dược, thuốc sẽ ngấm vào da nhiều hay ít, nông hay sâu. Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần chú ý đến tác dụng lý hoá học của thuốc như thuốc làm thay đổi pH của da, có thể ảnh hưởng đến quá trình ôxy hoá khử trong tế bào, do sử dụng thuốc khử ôxy hoặc nhượng ôxy. Thuốc bôi ngoài da còn có tác dụng toàn thân, gây nên những biến đổi sinh học nhất định, do thuốc ngấm vào da, vào máu, tác động lên đầu dây thần kinh thụ cảm ngoại vi, hoặc tác động lên các trung tâm của thần kinh thực vật. Như vậy, thuốc bôi ngoài da có cả tác dụng tại chỗ và và toàn thân, chỉ định và sử dụng thuốc bôi ngoài da cần hết sức cẩn thận.

Sự hấp thu của thuốc qua da phụ thuộc vào trạng thái lớp sừng, lớp mỡ bao phủ lên da, trạng thái các phần phụ của da, độ kiềm toan của da, đặc tính của các hoạt chất được sử dụng, dạng thuốc và dung môi được dùng, phản ứng của các thuốc đó trên da và hiện tượng phân ly ion của chúng. Ảnh hưởng và tác dụng phối hợp các yếu tố trên sẽ quyết định mức hấp thu của da và tác dụng của các loại thuốc bôi ngoài da.

Lưu ý khi dùng thuốc bôi ngoài da

Sử dụng thuốc bôi ngoài da phải phù hợp với tính chất bệnh lý, giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, vùng da, có khi cả tuổi, giới, thời tiết, nghề nghiệp… thì mới có hiệu quả cao. Ví dụ: đối với bệnh eczema cấp đang trợt, chảy dịch, mủ, vảy tiết chỉ cần dùng các dung dịch đắp gạc, ngâm, rửa hoặc thuốc màu... Nhưng đối với giai đoạn eczema mạn phải dùng dạng mỡ giảm viêm, giảm cộm, bạt sừng…

Do thuốc bôi không những có tác dụng tại chỗ mà còn có tác dụng toàn thân, tác động lên toàn bộ cơ thể nên dùng phải hết sức thận trọng.

Không nên bôi một thuốc thời gian quá dài, cũng không nên liên tục thay thuốc làm khó đánh giá kết quả điều trị, cũng như nhận định chẩn đoán đúng sai... Thường một đợt bôi thuốc khoảng 10 - 15 ngày. Theo dõi kỹ bệnh nhân trong thời gian dùng thuốc để có thể điều chỉnh kịp thời và theo dõi phản ứng da của từng bệnh nhân vì thuốc bôi có thể gây dị ứng.

Đối với phụ nữ đang mang thai không được tự ý sử dụng một số thuốc bôi ngoài da vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Đối với phụ nữ đang mang thai không được tự ý sử dụng một số thuốc bôi ngoài da vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Theo suckhoe&doisong

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày